Quảng Ninh: Phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo từ cấp uỷ cơ sở
Thời gian qua, các cấp ủy trong tỉnh Quảng Ninh đã tập trung lãnh đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, phát huy tốt vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở.
Năm 2018, xã Tân Bình, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) được công nhận đạt chuẩn xây dựng Nông thôn mới, diện mạo của địa phương có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Để đạt được kết quả trên có sự đóng góp quan trọng từ việc đề cao vai trò của các chi bộ trong lãnh đạo thực hiện các hoạt động, phong trào thi đua ở địa phương, sự tiên phong, gương mẫu của từng đảng viên.
Theo đó, để hoàn thành các tiêu chí đã đề ra, cấp ủy, chính quyền xã Tân Bình đã ban hành nghị quyết chuyên đề, phát huy mọi nguồn lực của địa phương, nhất là nguồn lực trong nhân dân, để đầu tư phát triển sản xuất, giảm nghèo. Đồng thời, đảng ủy xã chú trọng triển khai chủ trương đưa đảng viên công tác ở xã về sinh hoạt đảng tại các chi bộ khu dân cư.
Từ việc phân công cụ thể, rõ người, rõ việc, các đảng viên phụ trách địa bàn đã chủ động xây dựng kế hoạch, nắm từng khu dân cư. Nhiều chủ trương được thống nhất trong chi bộ, giải pháp thực hiện sát với thực tế cơ sở, nên quá trình triển khai đã nhận được sự quan tâm, đồng thuận của người dân. Cuối năm 2020, xã Tân Bình đạt 8/8 tiêu chí, 27/27 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí quốc gia xã NTM nâng cao, về đích trước 1 năm so với kế hoạch đặt ra, tạo nền tảng quan trọng để xã tiếp tục phấn đấu xây dựng NTM kiểu mẫu.
Ông Phạm Văn Đông, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Bình, cho biết: Đảng bộ xã hiện có 164 đảng viên, sinh hoạt tại 14 chi bộ, trong đó có 9 chi bộ nông thôn. Xây dựng NTM nâng cao với các tiêu chí đòi hỏi ngày càng cao, trong khi việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ địa bàn nông thôn còn những hạn chế. Để khắc phục tình trạng này, Đảng ủy xã phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ, từng đảng viên phụ trách địa bàn dân cư, duy trì việc dự họp với chi bộ thôn, xóm hằng tháng để nắm tình hình, chỉ đạo việc triển khai nghị quyết của các cấp ủy trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao. Trong phân công giao nhiệm vụ luôn chú trọng công tác kiểm tra, giám sát.
Thực tiễn đã chứng minh, chi bộ vững mạnh thì mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được triển khai thực hiện tốt ở cơ sở. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, vai trò của các chi bộ khu dân cư trong toàn tỉnh tiếp tục được phát huy, mang lại hiệu quả thiết thực. Đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn (bản, khu khố) và các đảng viên tích cực tham gia vào các tổ phòng chống dịch.
Đảng bộ Than Quảng Ninh hiện có 40 cơ sở đảng trực thuộc (gồm 36 đảng bộ và 4 chi bộ) với gần 19.000 đảng viên. Những năm qua, dù điều kiện của ngành Than còn nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, mô hình tổ chức có những bất cập, song với sự quyết tâm rất lớn của đội ngũ cán bộ, đảng viên toàn Đảng bộ, sự phối hợp có hiệu quả của các tổ chức trong hệ thống chính trị của ngành, hoạt động của Đảng bộ Than Quảng Ninh luôn được duy trì có hiệu quả, khẳng định được vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong toàn hệ thống của Đảng bộ, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu của toàn ngành, của tỉnh Quảng Ninh.
Đặc biệt, vai trò lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp thể hiện rõ nét nhất trong giai đoạn từ năm 2015 trở lại đây, khi Chính phủ cho phép thêm một số doanh nghiệp được nhập khẩu cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện, dẫn đến thị trường than bị thu hẹp, công tác tiêu thụ cạnh tranh gay gắt, lượng than tồn kho tăng cao. Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh đẩy nhanh thực hiện mô hình tăng trưởng xanh cũng đặt ra cho ngành Than những thách thức cần phải giải quyết, nhất là bài toán đổi mới công nghệ, bảo đảm môi trường, quản trị tài nguyên.
Để giải quyết vấn đề này, Đảng ủy Than Quảng Ninh cùng với Tập đoàn đã tập trung lãnh đạo quyết liệt thực hiện tái cơ cấu, hoàn thiện các quy chế quản lý, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chú trọng công tác môi trường, đổi mới công nghệ theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa áp dụng vào sản xuất…
Từ những định hướng giải pháp trên, giai đoạn 2016-2020, ngành Than đã vượt qua thách thức, đạt những kỳ tích mới. Sản lượng than nguyên khai sản xuất đạt 187,9 triệu tấn, than sạch hơn 150 triệu tấn; than tiêu thụ của Tập đoàn đạt gần 200 triệu tấn. Doanh thu toàn Tập đoàn đạt gần 600.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu than đạt hơn 320.000 tỷ đồng.
Theo Bí thư Đảng uỷ Than Quảng Ninh Vũ Anh Tuấn, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, trước yêu cầu đổi mới, Đảng ủy Than Quảng Ninh đã phối hợp với Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý điều hành của chuyên môn, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; chỉ đạo các đảng bộ cơ sở từng bước đổi mới công tác tư tưởng, quán triệt triển khai các nghị quyết của Trung ương Đảng, Tỉnh uỷ Quảng Ninh, Đảng uỷ Than Quảng Ninh, để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng đáp ứng với yêu cầu mới.
Cùng với đó, tích cực đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, góp phần xây dựng TKV phát triển bền vững.
Hiện, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh có 20 đảng bộ trực thuộc, 696 tổ chức cơ sở đảng, 4.971 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với tổng số 104.700 đảng viên.Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng, chất lượng tổ chức cơ sở đảng trong toàn Đảng bộ tiếp tục được quan tâm củng cố, kiện toàn. Cấp ủy các cấp đã chú trọng chỉ đạo xây dựng, củng cố các tổ chức đảng gắn với nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Các cấp ủy đảng đặc biệt quan tâm công tác xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh Quảng Ninh đã thành lập mới 53 chi bộ trong các đơn vị kinh tế tư nhân.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thôn, bản, khu phố, những người trực tiếp tổ chức người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong nước đã hoàn thành thống nhất quy trình chi bộ giới thiệu nhân sự để nhân dân lựa chọn bầu trưởng thôn, bản, khu phố, sau đó đại hội bầu vào chi ủy và bầu bí thư chi bộ theo phương châm “dân tin đảng mới cử”.
Nhờ vậy, từ chỗ gần 60% trưởng thôn, bản, khu phố chưa phải là đảng viên, đến nay 1.542 bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố, đạt 100%. Mối quan hệ gắn bó giữa dân với Đảng ngày càng bền chặt, trở thành sức mạnh to lớn để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.