Bàn về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số

T.Đ. 27/11/2021 09:00

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Ngày 5/11, tại Hà Nội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam - Một số tồn tại, hạn chế và kiến nghị”. Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

Tại Hội thảo, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Việt Nam có 54 thành phần dân tộc; trong đó có 53 dân tộc thiểu số với 14,119 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất ở vùng dân tộc thiểu số đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần có giải pháp quyết liệt, đồng bộ để tập trung giải quyết, như: Vấn đề gia tăng dân số ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tạo nên áp lực đối với đất đai trong canh tác truyền thống đối với đồng bào...

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe và trao đổi về các vấn đề, như: tổng quan một số chính sách, pháp luật về đất đai vùng dân tộc thiểu số; một số chồng chéo, bất cập giữa Luật Đất đai năm 2013 với Luật Lâm nghiệp năm 2017; chính sách giao đất rừng và rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số - thực trạng và một số vấn đề đặt ra; giải quyết vấn đề đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số bảo đảm sinh kế bền vững; nhận diện những vấn đề cấp bách trong thực hiện tái định cư do thu hồi đất ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi…

Một số ý kiến cũng chỉ rõ, thực tế hiện đang tồn tại một số những bất cập trong công tác quản lý đất rừng và tình trạng thiếu đất sản xuất của nhiều hộ gia đình nên việc lấn chiếm, tranh chấp đất đai giữa các hộ cá nhân với nhau, giữa các hộ cá nhân với các nông trường, lâm trường... diễn ra ở nhiều địa phương…

Các đại biểu kiến nghị, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định của pháp luật về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cao hiệu quả, hiệu lực các quy định của Chính phủ trong việc triển khai các chính sách về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số để kịp thời xử lý các vi phạm, sửa đổi những bất cập phát sinh từ thực tiễn.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học về việc thực hiện chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời khẳng định, Ban Tổ chức Hội thảo sẽ tiếp thu các ý kiến của các đại biểu và sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện các chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số để trình lên các cơ quan có thẩm quyền xem xét, có giải pháp hữu hiệu hơn trong thời gian tới.

T.Đ.