Dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, dịch HIV/AIDS tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp. Lây nhiễm HIV qua đường tình dục hiện chiếm đa số. Đáng lo ngại là lây nhiễm trong nhóm thanh thiếu niên gia tăng.
Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong 30 năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS được sự chỉ đạo và quan tâm rất lớn của Ðảng và Nhà nước, các tổ chức, đoàn thể. Ðến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc triển khai hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS. Hàng loạt các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV được triển khai rộng khắp, đa dạng và hiệu quả như: cung cấp bơm kim tiêm miễn phí tại 52 tỉnh, thành phố; phát bao cao su miễn phí tại 55 tỉnh, thành phố; thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone ở 63 tỉnh, thành phố cho hơn 52 nghìn người bệnh;
Trong năm 2020 đã phát hiện 13.000 trường hợp nhiễm mới, trong khi đó, những năm trước là 10.000 đến 11.000 trường hợp mắc mới. Hiện nay, nguồn tài chính trong nước dành cho công tác phòng chống HIV/AIDS đang tiếp tục tăng nhanh rõ rệt. Nếu như năm 2014, nguồn lực trong nước dành cho HIV/AIDS chỉ chiếm 27% thì đến năm 2020 con số này đã là 53%. Toàn quốc đã có hơn 52.000 bệnh nhân mắc HIV/AIDS đã chuyển sang điều trị bằng thuốc kháng HIV (thuốc ARV) từ nguồn quỹ BHYT.
Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, thời gian quan, mặc dù rất khó khăn do dịch Covid-19 nhưng các hoạt động phòng chống HIV/AIDS vẫn được triển khai rộng rãi và có hiệu quả cao. Ngành y tế đã mở rộng các mô hình hiệu quả, triển khai xét nghiệm để điều trị ARV cho những trường hợp ngay sau khi phát hiện nhiễm HIV, điều trị ARV trong ngày. Hiện ngành y tế đang duy trì điều trị Methadone cho hơn 50.000 bệnh nhân, mở rộng điều trị PrEP cho trên 13.000 khách hàng, điều trị ARV cho trên 150.000 bệnh nhân HIV/AIDS với chất lượng điều trị thuộc nhóm đầu thế giới.
Đặc biệt, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật Phòng chống HIV/AIDS trong một kỳ họp. Ngoài Luật Phòng chống HIV/AIDS sửa đổi, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1246/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những nước dẫn đầu toàn cầu trong việc cung cấp các dịch vụ điều trị HIV có chất lượng. Việt Nam có các mô hình cung cấp dịch vụ hiệu quả, lấy khách hàng làm trung tâm và hợp tác chặt chẽ với cộng đồng người nhiễm HIV hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV. Kết quả trên được minh chứng bằng tỉ lệ rất cao là 95% số người HIV dùng thuốc ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế. Đây là một trong những tỉ lệ ức chế virus cao nhất trên thế giới.
Theo các chuyên gia y tế, việc điều trị ARV là một trong những giải pháp quan trọng nhất trong phòng chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn thuốc ARV từ nguồn viện trợ quốc tế đang cắt giảm nhanh, từ năm 2019, Việt Nam phải chuyển điều trị ARV sang nguồn quỹ BHYT.
Về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (PrEP), đây là một trong những biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả nhất thế giới hiện nay, giảm hơn 90% nguy cơ bị nhiễm HIV.
Kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 1990 đến nay, Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm ứng phó đại dịch HIV/AIDS. Một chặng đường đầy gian nan, thách thức với những thành quả được xã hội và cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về phòng, chống HIV/AIDS.