Nhà giáo Ưu tú Hồ Mộ La: Một đời tận tụy
Với nhà giáo Hồ Mộ La mong ước lớn nhất trong những năm tháng này là có đủ sức khoẻ để truyền thụ hết những kiến thức về thanh nhạc mà bà có cho các học trò thân yêu.
Mỗi dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nhiều người thường nhớ tới nhà giáo - nghệ sĩ Hồ Mộ La. Bà đã có công phát hiện và đào tạo ra nhiều nghệ sĩ, ca sĩ thành danh trong làng nhạc như Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Rơ Chăm Pheng, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Hà Thuỷ, NSƯT Tố Uyên, NSƯT Kim Khánh, NSƯT Thuý Loan, NSƯT Ngọc Hà, ca sĩ Anh Thơ... Bà cũng được biết đến là “thầy của các thầy giáo” thanh nhạc, đào tạo nhiều thế hệ học trò, ca sĩ nổi tiếng hiện nay.
1. Nhà giáo Hồ Mộ La 90 tuổi, tại xã Quỳnh Ðôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An; là ca sĩ, nghệ sĩ, Nhà giáo Ưu tú. Xuất thân trong một gia đình cách mạng, năm 18 tuổi bà đã được kết nạp vào Ðảng. Bà và gia đình nhiều năm sống ở Trung Quốc. Năm 19 tuổi, Hồ Mộ La đã là giáo viên Trung văn và làm phiên dịch. Năm 1956, bà là phiên dịch viên của Bộ Tổng tham mưu và kết hợp làm phiên dịch cho chuyên gia ở lớp học Thanh nhạc đầu tiên của Ðoàn Ca múa Tổng cục Chính trị, sau đó ở lại làm diễn viên của Ðoàn. Tháng 8/1959, Hồ Mộ La được cử đi học thanh nhạc tại Liên Xô (trước đây), được những Giáo sư thanh nhạc hàng đầu của Nhạc viện Traicốpxki giảng dạy. Năm 1966, sau khi tốt nghiệp, bà về nước công tác tại các đoàn văn công quân đội và là Chủ nhiệm khoa Thanh nhạc Trường Nghệ thuật Quân đội từ năm 1967. Sau đó là giảng viên thanh nhạc ở Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).
Cuộc đời bà cho thấy sự tận tụy với nghề, tận tụy với học trò. Trong cuộc đời giảng dạy thanh nhạc của mình, bà đã phát hiện và góp phần vào sự tỏa sáng của nhiều nghệ sĩ đang được công chúng mến mộ hiện nay. Ngoài ra, nhà giáo Hồ Mộ La còn dịch từ tiếng Nga và tiếng Trung nhiều tài liệu âm nhạc, sách giáo khoa âm nhạc.
Ở tuổi ngoài 90, nhà giáo Hồ Mộ La vẫn bền bỉ với việc giảng dạy. Dù không còn khỏe như trước, nhưng bà vẫn yêu công việc truyền dạy kiến thức. Hàng ngày, các thế hệ học trò với đủ các lứa tuổi vẫn tìm đến bà ở phố Định Công (Hà Nội) để nhờ bà truyền dạy những kỹ năng thanh nhạc để có được giọng hát đẹp, hát truyền cảm và hát đúng kỹ thuật.
Theo nhà giáo Hồ Mộ La, tình yêu đối với nghề giáo của bà bây giờ và ngày xưa không hề thay đổi. “Tôi vẫn dạy cho đến khi nào tuổi mòn sức kiệt, khi ông bà tổ tiên gọi tôi về thế giới bên kia”, nhà giáo Hồ Mộ La tâm niệm, đồng thời hóm hỉnh: “Bây giờ, mỗi khi học trò tìm đến học, tôi lại cảm thấy như mình được trẻ ra 20 tuổi. Có khi quên mình đã ở tuổi 90”.
2. Học trò của bà không chỉ có những người trẻ, những sinh viên đang theo học thanh nhạc, mà có cả những NSƯT, những giảng viên thanh nhạc đang giảng dạy tại một số trường nghệ thuật. Họ tìm đến với “bà giáo già” để học hỏi những kinh nghiệm quý mà ít người biết, cũng không có giáo trình nào dạy.
Với nhà giáo Hồ Mộ La mong ước lớn nhất trong những năm tháng này là có đủ sức khoẻ để truyền thụ hết những kiến thức về thanh nhạc mà bà có cho các học trò thân yêu. Bà bảo, có lẽ chỉ khi nào trái tim ngừng đập thì bà mới thôi yêu công việc mình đang làm.
Trong suốt cuộc đời giảng dạy của mình, nhắc đến tên người học trò nào, bà giáo Hồ Mộ La cũng ánh lên những niềm vui và tự hào. Nhưng với bà, có lẽ ca sĩ Anh Thơ là người gắn bó và có nhiều tình yêu thương hơn cả. Ca sĩ Anh Thơ tìm đến bà khi mới từ Thanh Hóa lên Hà Nội theo đuổi đam mê âm nhạc. Bà nhận xét, Anh Thơ là người có nhạc cảm là lĩnh hội rất thông minh.“Tôi từng luyện thi cho Anh Thơ chỉ hơn 4 tháng. Hai cô trò tập có những buổi kéo dài tới 2 tiếng đồng hồ mà không hề bị bặt giọng hay khản tiếng. Đó chính là cái hay của việc hát đúng phương pháp”, bà kể.
Nhà giáo Hồ Mồ La quan niệm, trong dạy thanh nhạc, trước tiên phải luyện giọng. Luyện giọng cho trơn tru, cao độ chính xác, âm thanh mượt mà, trong trẻo, bay, thoát… phóng ra ngoài không gian. Muốn có được điều đó, không phải học ngày một, ngày hai mà phải trải qua một quá trình khổ luyện theo đúng phương pháp. Luyện thanh xong mới dựng bài hát. Hát dòng nhạc nào cũng đòi hỏi phải hát tròn lời rõ chữ và phải truyền được cảm xúc đến người nghe.
“Người thầy là người phải dạy cho học trò biết cách hát thế nào để truyền cảm nhất vì có người có chất giọng truyền cảm nhưng mà không biết cách truyền, cho nên vẫn không thành công. Truyền cảm nhưng phải mềm mại, có ý tứ, phải hiểu được ca từ và hiểu được cần nhấn trọng tâm ở chỗ nào... Khi đấy hiểu được ca từ, truyền được nghĩa của ca từ khi ấy mới thật sự là thể hiện một tác phẩm âm nhạc trọn vẹn”, nhà giáo Hồ Mộ La tâm sự.
3. Còn nhớ, cách đây ít lâu, trong dịp nhà giáo Hồ Mộ La 90 tuổi, giới nghệ sĩ ở Hà Nội đã có dịp hội ngộ. Người ta nhận ra trong số đó, có nhiều thế hệ ca - nhạc sĩ Việt Nam, như: NSND Quang Thọ, NSND Thanh Hoa, NSƯT Dương Minh Đức, NSƯT Hà Thủy, các ca sĩ: Anh Thơ, Vũ Thắng Lợi, Thùy Dung, Huyền Trang…
Tại đây, nhiều câu chuyện được kể, nhiều ký ức được nhắc nhớ. Trong đó, không thể không nhắc tới kỷ niệm của NSND Thanh Hoa.
Nghệ sĩ Thanh Hoa kể, mặc dù 50 tuổi mới có duyên được học, nhưng chính nhà giáo Hồ Mộ La đã giúp bà có thêm sức mạnh theo đuổi nghề, tiếp tục hát đến tận bây giờ. Theo lời Thanh Hoa, năm 46 tuổi bà bỗng dưng rơi vào cảm giác không còn cảm hứng lên sân khấu biểu diễn nữa. Lúc bấy giờ, Thanh Hoa đang công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, công việc chủ yếu là chịu trách nhiệm thu thanh, rất ít có cơ hội biểu diễn trên sân khấu. Khi đó nghệ sĩ Thanh Hoa từng nghĩ đến việc giải nghệ, không đi hát nữa nhưng đúng lúc ấy, bà có duyên được gặp gỡ và theo học nhà giáo Hồ Mộ La. Chính người thầy này đã khuyên nhủ, động viên NSND Thanh Hoa tiếp tục theo đuổi nghề. Cũng chính nhờ lời khuyên ấy mà NSND Thanh Hoa đã quyết định từ bỏ ý nghĩ giải nghệ. “Em biết ơn cô nhiều, cô là tấm gương cho em và tất cả các thế hệ học tập, noi theo”, NSND Thanh Hoa dành sự trân trọng đặc biệt cho nhà giáo Hồ Mộ La.