Ví điện tử và mối lo rửa tiền
Gần đây, nhiều đường dây đánh bạc nghìn tỷ đã bị công an triệt phá. Điểm chung của các đường dây này là người chơi phải nộp tiền mua tiền ảo bằng các phương thức như nạp thẻ viễn thông, thanh toán ví điện tử. Số tiền thu được từ các con bạc được chuyển thành tiền mặt thông qua thẻ sim điện thoại, ví điện tử... Mối lo rửa tiền qua ví điện tử ngày càng hiện hữu.
Đầu tháng 11, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) phối hợp Công an huyện Gia Lâm (Công an TP Hà Nội) triệt phá đường dây đánh bạc “khủng” 14.000 tỷ đồng do Phạm Công Anh (42 tuổi), Hoàng Mạnh Lâm (34 tuổi), Đinh Văn Hoàng (36 tuổi) cầm đầu. Theo đó, người chơi muốn tham gia đánh bạc (pocker, quay hũ slot, tài xỉu, xóc đĩa, bắn cá…) phải đăng ký tài khoản trên website đánh bạc bxx, nạp tiền bằng thẻ cào điện thoại, tài khoản ngân hàng, ví điện tử hoặc liên hệ với đại lý để mua tiền ảo.
Trước đó, ngày 4/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng triệt đường dây đánh bạc trên trang B29.win. Đường dây này được xác định là “chi nhánh” của một đường dây đánh bạc quy mô quốc tế, có số tiền giao dịch lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng.
Một đường dây đánh bạc lớn khác cũng đã được phát hiện hồi đầu tháng 10 vừa qua. Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Minh Thành và 9 người khác về tội “tổ chức đánh bạc”. Thành khai bản thân đam mê công nghệ, sau khi học khoá cấp tốc về công nghệ tại một trường đại học, Thành chuyển sang kinh doanh cá nhân. Theo lời bị can, cuối năm 2019, Thành nhận thấy nhiều người thích chơi các game bài qua mạng nên đã nảy sinh ý định tổ chức đánh bạc bằng hình thức game bài đổi thưởng để thu lợi bất chính.Thành lên mạng tìm mua 1 mã nguồn game sau đó thuê Vũ Tiến Duy (32 tuổi) và Bùi Nhật Anh (28 tuổi) cùng xây dựng, chỉnh sửa phần mềm game bài và lấy tên là “SOCVIP”.
Điểm chung để tham gia các đường dây đánh bạc trên là người chơi phải nạp tiền mua tiền ảo bằng các phương thức như nạp thẻ viễn thông, thanh toán ví điện tử (Viettel Pay, Momo). Số tiền thu được từ các con bạc sẽ được các đối tượng trên chuyển thành tiền mặt thông qua thẻ sim điện thoại, ví điện tử… Để tham gia vào các mạng đánh bạc này, bắt buộc người chơi phải có ví điện tử để nạp tiền và chuyển tiền.
Ví điện tử là hình thức thanh toán mới tại Việt Nam, được định nghĩa là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ tạo lập trên vật mang tin (như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính...), cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử theo tỷ lệ 1:1 và được sử dụng làm phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Dịch vụ ví điện tử được các tổ chức không phải ngân hàng triển khai thí điểm từ năm 2008 và chính thức từ năm 2015 dưới sự quản lý của NHNN.
Thống kê của NHNN cho thấy, hiện cả nước có gần 90 triệu tài khoản ví điện tử. Như vậy, quy mô tài khoản ví điện tử đã lớn gấp đôi quy mô khách hàng của một ngân hàng cỡ lớn. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng của ví điện tử những năm qua thường lên tới 3 con số, cao hơn rất nhiều lần so với tăng trưởng của thẻ ngân hàng, giao dịch Internet banking. Đáng nói là, trên 90% ví điện tử đã có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề đặt ra là, nếu không siết chặt quản lý ví điện tử, nguy cơ sẽ phải đối mặt rất nhiều hệ lụy, không chỉ là lợi dụng để đánh bạc, lừa đảo.
NHNN tỏ ra lo ngại khi liên tiếp phát hiện các vụ đánh bạc liên quan đến ví điện tử. Theo đánh giá của ông Phạm Tiên Phong, Cơ quan thanh tra giám sát, NHNN, mặc dù mang lại rất nhiều tiện ích, song ví điện tử cũng đang có dấu hiệu bị lợi dụng cho các hoạt động bất hợp pháp (đánh bạc online, cá độ bóng đá, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…). Chính vì vậy, NHNN đang nghiên cứu sửa Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012 đưa trung gian thanh toán mà đối tượng cụ thể là ví điện tử vào đối tượng rủi ro cao diện bắt buộc báo cáo trong công tác rửa tiền.
Xuất hiện ở Việt Nam chưa lâu, song với xu hướng số phát triển mạnh mẽ và nhiều tiện ích, ví điện tử đang ngày càng trở thành một hình thức thanh toán quen thuộc của người tiêu dùng hiện nay, đặc biệt là giới trẻ để giao dịch qua kênh thương mại điện tử và thanh toán hóa đơn tiện ích. Trong thời gian qua, bên cạnh tiện ích mang lại, ví điện tử cũng có dấu hiệu bị lợi dụng cho các hoạt động bất hợp pháp (đánh bạc online, cá độ bóng đá, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.