Cảm tính
Một số bài viết trên các trang báo thời gian gần đây đưa ý kiến của một số người cho rằng: Người Việt lười đi bộ nhất thế giới. Đây là đánh giá thiếu khách quan.
Có người còn đưa ra ý kiến rằng chiếc xe máy sinh ra chỉ để dành cho người Việt Nam. Thử hỏi, đi xe máy đã làm sao, khi nó rất tiện lợi, cơ động, trong bối cảnh hạ tầng giao thông (cả tĩnh và động) của nhiều tỉnh, thành phố hiện nay rất yếu kém? Nếu tính về diện tích, phải chục chiếc xe máy mới bằng một chiếc ô tô.
Tạm chưa bàn đến các địa phương khác, chỉ tính riêng Hà Nội thôi thì liệu hạ tầng giao thông có thể chứa được khoảng vài triệu chiếc ô tô thay vì xe máy như hiện nay? Nếu mỗi người đều ra đường với chiếc ô tô cá nhân thì thậm chí không phải là ùn nữa mà sẽ là tắc cứng. Đó là còn chưa kể đâu phải ai cũng có tiền để mua ô tô?
Phân tích như vậy sẽ có ý kiến phản biện cho rằng, vậy thì mọi người đừng dùng xe máy hay ô tô cá nhân nữa mà hãy dùng phương tiện vận tải công cộng. Vâng, nhất trí với phương án này. Song, vấn đề ở chỗ chưa có tỉnh, thành nào trên toàn quốc có thể đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu đi lại của người dân bằng phương tiện vận tải công cộng.
Đến như Hà Nội phương tiện vận tải hành khách công cộng cũng mới chỉ đáp ứng được chưa tới 20%, còn TP Hồ Chí Minh là một thành phố tương đối năng động cũng chỉ ở mức tương đương. Khi vận tải hành khách công cộng chưa phát triển, lấy gì bù đắp vào nhu cầu đi lại của người dân nếu không sử dụng xe cá nhân?
Trở lại với ý kiến chủ quan khi cho rằng, người Việt lười đi bộ nhất thế giới. Nếu người phát biểu ý kiến này chịu khó tới các khu công viên cây xanh, những tuyến đường vắng vẻ, rộng rãi sẽ thấy mật độ người đi bộ không hề nhỏ. Ngay cả trong những ngày phải giãn cách xã hội, nhiều người vẫn có nhu cầu ra ngoài chạy bộ tập thể dục, sao gọi là lười?
Còn khi đi làm việc, viên chức tới công sở, tiểu thương ra chợ bán hàng... thì họ phải có phương tiện để di chuyển. Nếu vận tải hành khách công cộng của các địa phương trên cả nước đáp ứng được nhu cầu đi lại, có ai dại gì lại dùng phương tiện cá nhân để vừa tốn xăng lại mất tiền gửi xe? Với quãng đường di chuyển hàng chục km, không lẽ lại đi bộ?
Ngoài việc phương tiện vận tải công cộng chưa đạp ứng được yêu cầu, hạ tầng giao thông cũng là vấn đề dẫn đến việc người dân không muốn và không dám đi bộ. Làm sao có thể đi bộ đi làm, đi chợ... khi mà hầu hết các vỉa hè dành cho người đi bộ đều bị chiếm dụng để bán nước, quần áo, trông xe, rửa xe? Lẽ nào khuyến khích mọi người đi bộ xuống lòng đường?
Đi bộ dưới lòng đường không chỉ là gây mất an toàn giao thông cho các phương tiện cơ giới đang di chuyển, mà còn nguy hiểm đến tính mạng của chính người đi bộ. Chưa kể nhiều tuyến đường của các địa phương đang bị ô nhiễm, lẽ nào đi bộ vài cây số để hít thở cho đã hay sao? Như vậy liệu có ai muốn và dám đi bộ để “bằng” với các nước khác?
Ở bài viết cách đây ít lâu, tôi cũng đã đặt vấn đề về việc đừng đưa ra so sánh một chiều giữa Việt Nam và các nước phát triển trên thế giới. Muốn so sánh thì phải so sánh khi cùng điều kiện, hoàn cảnh... Trong trường hợp này, đừng cho rằng người Việt lười đi bộ, bởi họ không có lựa chọn khác!