Chặn đà lây dịch tả lợn châu Phi

Quang Ngọc 27/11/2021 06:10

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký ban hành Chỉ thị 32/CT-TTg, ngày 25/11/2021, của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Thời gian gần đây, dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại một số địa phương, đã tạo ra mối lo ngại thiếu nguồn cung thịt lợn dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Trong khi tại thời điểm này, giá lợn hơi cũng như giá thịt lợn miếng được cho là có nhiều bất ổn. Nguyên nhân chính đến từ việc người dân lo ngại dịch Covid-19, mức tiêu thụ giảm nên không mạnh dạn tái đàn. Cùng đó là giá thức ăn chăn nuôi đứng ở mức cao cũng gây khó khăn cho việc phát triển đàn lợn thịt.

Tới thời điểm này, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 2.275 xã của 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng số lợn buộc phải tiêu hủy đã lên tới hơn 230.000 con, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2020, chiếm khoảng 0,8% tổng đàn. Báo cáo của cơ quan chức năng, dịch đang có nguy cơ lây lan trên diện rộng, tác động lớn, tiêu cực đến ngành chăn nuôi, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, người chăn nuôi và cung cầu thực phẩm.

Chính vì thế, việc khoanh vùng dập dịch, không để dịch lây lan rộng hiện là vấn đề đặc biệt quan trọng đối với những địa phương có dịch. Với những địa phương chưa có dịch thì việc kiểm soát, bảo vệ đàn lợn, bịt tất cả các nguồn lây cũng phải được chú trọng.

Trong cơ cấu bữa ăn của gia đình người Việt Nam thì thịt lợn là thực phẩm được sử dụng nhiều nhất. Vì vậy, khi đàn lợn bị dịch bệnh tấn công sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bữa ăn hàng ngày của các gia đình. Số lượng thịt lợn cung ứng cho thị trường giảm sẽ đẩy giá thịt lợn lên cao, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán khi mức độ tiêu thu thịt lợn rất lớn.

Giới chuyên gia dinh dưỡng từng nhiều lần kêu gọi cơ cấu lại các loại thực phẩm cho bữa ăn, giảm thịt lợn xuống và tăng các loại thực phẩm khác lên (như cá, tôm, thịt bò...). Tuy nhiên, để thay đổi thói quen ăn uống không đơn giản, bằng chứng là tới nay thịt lợn vẫn là thực phẩm “đầu vị” trong bữa ăn của người Việt Nam.

Nhiều năm qua, để đáp ứng nhu cầu thị trường, ngành chăn nuôi đã rất nỗ lực phát triển đàn lợn. Cùng với việc chăn nuôi nhỏ lẻ của các hộ dân, thì đã hình thành nhiều trại lợn với hàng vạn con mỗi lứa nuôi. Thời gian nuôi cũng được rút ngắn với những giống lợn phù hợp, cùng đó là thức ăn tinh chế cho lợn cũng góp phần quan trọng trong việc tăng nhanh trọng lượng của vật nuôi. Nếu như trước, một năm trung bình người chăn nuôi chỉ có thể xuất chuồng được 2 lứa lợn, trung bình 60kg/con; thì nay một năm có thể xuất chuồng 4 lứa, từ 90 đến 100kg/con.

Nhưng cách chăn nuôi tập trung cũng phải đương đầu với không ít khó khăn, nhất là khi dịch bùng phát sẽ lây lan rất nhanh trong đàn. Với những hộ nông dân nuôi một hai con lợn, không may dính dịch, phải tiêu hủy sẽ đưa đến khó khăn vì lứa lợn ấy là sự trông chờ của cả gia đình. Còn với những doanh nghiệp lớn, tổn hại là cực lớn. Chỉ tính đợt khủng hoảng vừa qua khi giá xuất chuồng xuống quá thấp, các hộ chăn nuôi lớn ở “thủ phủ chăn nuôi” Đồng Nai đã phải bán lỗ trung bình 1 triệu đồng/con/100kg.

Quay lại với bệnh dịch tả lợn châu Phi mới đây, cho dù thiệt hại chưa lớn nhưng không thể không gấp rút có biện pháp ngăn chặn, dập dịch, không để lây lan ra diện rộng. Xin được nhắc lại lần dịch ghê gớm năm 2019: Theo cơ quan chức năng, từ tháng 2 đến tuần đầu tháng 12/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.553 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy gần 5,95 triệu con.

Trước diễn tiến của bệnh, một số người lo lắng liệu dịch tả lợn châu Phi có gây bệnh cho người hay không? Theo Bộ Y tế, bệnh dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, nhưng khác hoàn toàn với bệnh tả ở người (bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn gây ra). Bệnh tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người. Việc buộc phải tiêu hủy lợn mắc bệnh là để chặn lây lan và để kiểm soát mầm bệnh, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Quang Ngọc