Xã hội hóa sách giáo khoa: Nỗi lo độc quyền trở lại
Ở năm thứ 2 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, việc quyết định lựa chọn sách giáo khoa (SGK) được giao toàn quyền cho hội đồng tuyển chọn sách theo Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, nếu tiếp tục như vậy thì chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK sẽ khó được triển khai, dẫn tới nguy cơ quay trở lại tình trạng độc quyền của một mình doanh nghiệp trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đó là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Theo Thông tư 25, việc lựa chọn SGK sẽ do UBND cấp tỉnh thực hiện. Trong đó, Hội đồng lựa chọn SGK (Hội đồng) do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập, giúp UBND cấp tỉnh tổ chức lựa chọn SGK.
Mặc dù Thông tư 25 nêu rõ quy trình lựa chọn SGK được triển khai theo 4 bước. Bước 1: Cơ sở GDPT đề xuất lựa chọn SGK; Bước 2: Phòng Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) danh mục SGK được các cơ sở GDPT đề xuất lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự SGK có số cơ sở GDPT đề xuất lựa chọn từ cao xuống thấp; Bước 3: Sở GDĐT tổng hợp, chuyển cho Hội đồng danh mục SGK; Bước 4: Hội đồng tổ chức lựa chọn SGK. Song trên thực tế, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, nhiều cơ sở giáo dục đã phải lên tiếng phàn nàn về thông tư này, khi trao toàn quyền quyết định lựa chọn SGK cho những hội đồng tuyển chọn sách mà không quan tâm đến ý kiến của cơ sở.
Ở năm học trước, việc lựa chọn SGK thực hiện theo Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT, hội đồng lựa chọn SGK do người đứng đầu cơ sở GDPT thành lập sẽ sát với thực tế yêu cầu của nhà trường hơn, bởi ý kiến của giáo viên - người trực tiếp đứng lớp giảng dạy cho học sinh sẽ được quan tâm hơn, là căn cứ quan trọng để lựa chọn sách phù hợp với việc dạy và học của học trò ở từng trường, thậm chí từng lớp.
Cũng theo bà Thúy, điểm mới nhất trong lĩnh vực SGK được Nghị quyết 88 và Luật Giáo dục xác định là xã hội hóa để phát huy nguồn lực xã hội, bảo đảm đa dạng hóa và không ngừng nâng cao chất lượng SGK. Tuy nhiên, vào đầu năm học mới vừa qua, báo chí lên tiếng phê phán khá gay gắt một số bài học thiếu tính khoa học, tính giáo dục trong các bộ SGK Khoa học Tự nhiên, Ngữ văn và Tiếng Việt của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Báo chí cũng đã phát hiện một tác giả trong 2 năm viết đến 50 đầu SGK, sách bài tập các loại ở cả 3 cấp học. Vì vậy, bà Thúy kiến nghị Bộ GDĐT sớm sửa đổi Thông tư 25, tiến hành thanh tra các công việc biên soạn, lựa chọn, phát hành SGK và điều chỉnh những bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện.
Trước đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã từng nêu quan điểm: Chất lượng SGK được thẩm định từ thực tiễn, hay nói cách khác sự cạnh tranh của thị trường sẽ dần thải loại sách yếu. Xã hội hoá SGK là một chủ trương đúng, những va đập từ thực tiễn sẽ giúp các nhà xuất bản có những điều chỉnh kịp thời. Trong đó, tiếng nói của thầy cô giáo và học sinh, người trực tiếp sử dụng những cuốn sách ấy cần được coi trọng.
Trong bối cảnh SGK không còn là pháp lệnh, giáo viên có quyền tự chủ trong quá trình giảng dạy, GS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, khi giáo viên đã nắm được chương trình thì việc lấy “nguyên liệu” ở sách này sách kia là việc của giáo viên, miễn là những nội dung đó dạy cho học sinh đáp ứng được chương trình. Đây là cách làm rất mở.
Nhìn nhận việc giáo viên phụ thuộc vào SGK không hẳn là đi ngược lại với tinh thần đổi mới, GS Báo cho rằng, nhiều khi việc phụ thuộc vào SGK là một thói quen chứ không phải vấn đề năng lực giáo viên. Việc thay đổi tư duy của đội ngũ giáo viên có thể làm được, nhưng cần có thời gian để họ có sự nhạy cảm, phản xạ trước những tình huống thực tiễn. SGK là công cụ, tuy nhiên phải rèn luyện cho giáo viên biết tham khảo nhiều nguồn tư liệu để dạy, biết được cái hay của nhiều sách khác nhau, đó là năng lực cần phải đào tạo. Nếu giáo viên chỉ xem 1 quyển SGK rồi dạy mà không biết chọn lọc những cái hay của sách khác để kết hợp thì rất hạn chế.