Rút bảo hiểm xã hội một lần: Lợi trước mắt, hại lâu dài

Lê Bảo 27/11/2021 06:30

Việc rút bảo hiểm xã hội một lần không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động mà còn khiến độ bao phủ an sinh xã hội của Nhà nước bị giảm, đi ngược lại xu thế đảm bảo an sinh cho mọi người dân. Các chuyên gia cho rằng, cần sớm có những giải pháp để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội 1 lần như hiện nay.

Ngậm ngùi vì để “tuột” mất lương hưu

Tháng 12 năm 2020 vì thôi việc không lương đã 3 tháng mà chưa tìm được việc làm, chị Nguyễn Thị Trang, kế toán siêu thị điện máy Hà Nội quyết định rút BHXH một lần. Sau gần 15 năm tham gia BHXH số tiền chị rút về đủ chi tiêu sinh hoạt trước mắt và lo cho gia đình cái Tết nguyên đán đầm ấm.

Tháng 4/2021 sau nhiều lần nộp hồ sơ chị đã tìm được một công việc ổn định với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Có công việc ổn định chị mới nhận thấy sai lầm khi đã rút BHXH một lần. Lúc này chị Trang tìm đến cơ quan BHXH với nguyện vọng xin “hoàn” lại số tiền BHXH đã rút, tuy nhiên pháp luật chưa có quy định này nên chị đành ngậm ngùi ra về với mối lo tuổi già không lương hưu.

“Thu nhập của hai vợ chồng cũng ở mức trung bình và theo kiểu “ăn đong” giờ trẻ có sức khỏe còn làm thêm kiếm sống nhưng khi về già thì biết trông cậy vào đâu. Giờ mới thấy việc rút BHXH một lần là sai lầm” – Chị Trang nuối tiếc.

Thực tế câu chuyện của chị Trang chính là tình trạng của hàng nghìn người lao động sau khi rút BHXH một lần muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm đã tham gia bảo hiểm xã hội cho đủ điều kiện hưởng lương hưu, nhưng pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa quy định về trường hợp này.

Việc rút BHXH một lần để lại nhiều rủi ro cho người rút là thực tế đã hiện hữu, tuy nhiên thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, đến hết tháng 10/2021, cả nước đã có hơn 700 nghìn người hưởng BHXH một lần, tăng gấp 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 5,45% so cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, theo thống kê, những người nhận BHXH một lần tập trung ở độ tuổi từ 20 đến 40, chiếm đến 80,9%; trong đó tập trung đông nhất ở nhóm 20 đến 30 tuổi, chiếm 42,7%, nhóm 30 đến 40 tuổi, chiếm 38,2%. Bên cạnh đó, đa số người nhận BHXH một lần do ngừng đóng BHXH sau 1 năm nghỉ việc (98,7%), còn số người nhận BHXH một lần khi đến tuổi về hưu nhưng chưa đủ số năm đóng BHXH tối thiểu chỉ chiếm rất ít, có 0,92%...

Sớm có giải pháp

Tại nhiều quốc gia, như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Brazil, Canada, Argentina, Pháp, Nga, Đức… đều không cho hưởng BHXH một lần. Còn ở Việt Nam, vì nhiều lý do, chế độ này vẫn được thực hiện, dù không được khuyến khích dẫn tới số người hưởng BHXH một lần đang có xu hướng tăng.

Tuy nhiên, theo khuyến nghị của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, người lao động nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định hưởng BHXH một lần. Muốn vậy, hãy tích lũy, tham gia BHXH ngay khi còn trẻ. Nếu ở thời điểm khó khăn không thể đóng tiếp BHXH, người lao động có quyền bảo lưu và sau đó đóng tiếp (bằng cách tham gia BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện) để đủ điều kiện nhận lương hưu và được cấp thẻ bảo hiểm y tế giúp chăm sóc sức khỏe khi về già.

Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội cũng chỉ rõ, BHXH là chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, BHXH như “của để dành”, được Nhà nước bảo hộ nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho họ khi hết tuổi lao động. Việc nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc người lao động rời khỏi hệ thống an sinh xã hội, khi về già sẽ gặp rất nhiều khó khăn, tạo áp lực lên xã hội và gia đình.

“Bên cạnh đó, việc nhận BHXH một lần được coi là “lợi trước mắt, hại lâu dài”, bởi khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu như chi trả về BHYT, điều chỉnh lương hưu định kỳ, chế độ tử tuất…Nhiều người hưởng chế độ BHXH một lần khiến độ bao phủ an sinh xã hội của Nhà nước bị giảm, đi ngược lại xu thế xã hội văn minh là đảm bảo an sinh cho mọi người dân” - đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho biết.

Từ thực trạng trên, đại biểu Sơn đề xuất sớm nghiên cứu sửa đổi quy định về hưởng BHXH một lần theo tinh thần Nghị quyết 28 đề ra, trong đó hướng đến mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân, sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt nhằm giảm số lượng người hưởng BHXH một lần, điều chỉnh cách tính lương hưu bảo đảm kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững, tăng sức hấp dẫn và tính liên kết giữa các chế độ BHXH để đạt mục tiêu mở.

Theo BHXH Việt Nam hiện tại, đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc, mức đóng vào quỹ BHXH bằng 25% mức tiền lương hằng tháng của người lao động, trong đó, người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 17%. Ví dụ, nếu tiền lương của người lao động là 5 triệu/tháng thì quỹ BHXH thu 1.250.000 đồng. Trong đó, người lao động đóng 400.000 đồng (32% tổng quỹ), người sử dụng lao động đóng 850.000 đồng (68% tổng quỹ). Vì vậy, khi tham gia BHXH với việc bỏ ra số tiền 8% tiền lương hằng tháng (32% tổng quỹ), người lao động được hưởng những lợi ích từ nguồn quỹ này bao gồm các chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Và chỉ tính riêng mức lương hưu tối đa, người lao động nhận được với mức tiền lương đóng 5 triệu đồng/tháng là 3.750.000 đồng/tháng cũng đã lớn hơn rất nhiều số tiền mà người lao động phải bỏ ra là 400.000 đồng/tháng.

Lê Bảo