Họa sĩ 9x mang hơi thở làng quê Bắc Bộ vào tranh vẽ
Những bức tranh của họa sĩ Trần Nguyên (31 tuổi, Hà Nội) thu hút người xem bởi chất giản dị, thân thuộc nhưng không kém phần sinh động, khắc họa lại hình ảnh làng quê Bắc Bộ khiến nhiều người rưng rưng xúc động.
Vốn sinh ra ở một vùng quê yên bình tại Nam Định, từ nhỏ họa sĩ Trần Nguyên đã có tình yêu đặc biệt dành cho cảnh vật quê hương.
Anh kể: “Bản thân tôi xuất thân từ một vùng quê, được sống và học tập trên mảnh đất quê hương. Lớn lên với bao kỷ niệm và ký ức tuổi thơ, đề tài nông thôn gắn bó với tôi như máu mủ, cuộc sống và là cả trái tim.
Tuổi thơ của tôi hiện hữu trên những con đường làng, ngõ nhỏ, cánh đồng lúa chín, tình cảm mà con người giành cho nhau rất mộc mạc và bình dị. Những hình ảnh ấy đi sâu vào tâm thức tôi, thúc đẩy tôi lựa chọn đề tài làng quê cho những sáng tác của mình.”
Họa sĩ Trần Nguyên cho hay, ngay từ những ngày bé anh đã biết bản thân mình có năng khiếu với hội họa. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, những năm cấp một, cấp hai, anh Nguyên đã ước mơ trở thành một họa sĩ. Cho đến khi lớn lên, niềm đam mê với hội họa cứ thế lớn dần.
Chính vì lẽ đó, anh chọn học khoa thiết kế mỹ thuật, chuyên ngành thiết kế mỹ thuật để nuôi đam mê của mình. Những ngày học tập tại giảng đường Đại học đã mở ra cơ hội cho anh Nguyên được cọ xát và tìm hiểu rất nhiều về chuyên môn và kỹ thuật. Ra trường, anh quyết tâm theo đuổi theo con đường hội họa chuyên nghiệp.
Trong tâm thức của anh Nguyên, khung cảnh làng quê Bắc Bộ Việt Nam hiện lên với những đặc trưng nổi bật gồm có: những ngôi nhà ngói ba gian, con đường ngõ nhỏ, cây đa, giếng nước, sân đình, cánh đồng lúa bao la bát ngát…
Tất cả góp phần tạo nên hình ảnh đẹp và đặc trưng nhất cho làng quê tại Việt Nam. Hình ảnh này đối với những người con xa quê rất thiêng liêng và sẽ luôn hằn sâu trong trái tim của mỗi người con đất Việt.
Theo họa sĩ Trần Nguyên, điều khó nhất khi vẽ những bức tranh hình ảnh làng quê Bắc Bộ đấy là việc khắc họa những ngôi nhà cổ. Bởi, hầu như những hình ảnh về ngôi nhà xưa không còn được nguyên trạng như ngày trước, tất cả đều đã được sửa sang, mất nhiều chi tiết cổ xưa.
“Để phác họa được hồn cốt của làng quê Việt, tôi phải nhớ lại khung cảnh tuổi thơ của mình, dùng những kiến thức về lịch sử mỹ thuật điện ảnh đã được học và tài liệu thực tế, kết nối lại với nhau để sáng tác ra một bức tranh nhiều ý nghĩa và nội dung đẹp nhưng vẫn phải đúng với chuẩn mực lịch sử, cũng như phải hội tụ đầy đủ 3 yếu tố “Chân, Thiện, Mỹ”. Tôi dành nhiều thời gian cho việc lên ý tưởng và phác thảo khung hình”, anh tiết lộ.
Qua nét vẽ sáng tạo, đầy xúc cảm, những vẻ đẹp xưa cũ, trong trẻo, bình yên của làng quê Bắc Bộ hiện lên gần gũi, thân thương khiến người xem như lắng đọng về cuộc sống bình yên không ồn ào, vội vã.
Sau hơn 2 năm tìm tòi và sáng tạo, đến nay họa sĩ Trần Nguyên đã sáng tác được gần 60 tác phẩm về khung cảnh làng quê, đa dạng các góc nhìn giúp người xem hình dung rõ nét cảnh vật quê hương Bắc Bộ. Anh Nguyên tiết lộ, mỗi bức tranh anh chỉ mất khoảng 2 tuần để sáng tác, anh thường sáng tác khi có nhiều cảm hứng vẽ tranh. “Có những tác phẩm mất tới hàng tháng trời để hoàn thiện” - anh nói.
Những bức tranh của anh nhận về sự đón nhận từ cộng đồng mạng và thu về hàng trăm lượt yêu thích, bình luận cùng hàng nghìn lượt chia sẻ. Ai nấy đều tỏ ra vui thích trước những bức tranh mà anh Nguyên tự tay phác thảo nên.
Nhiều cư dân mạng đã để lại bình luận dành lời khen ngợi cho mỗi tác phẩm của anh, họ mong rằng trong thời gian tới, anh sẽ tạo nên nhiều bức tranh hơn nữa để truyền cảm hứng cho những người có cùng đam mê nghệ thuật và để những người con xa quê vơi bớt nỗi nhớ nhà.
Tài khoản Trần Tú tấm tắc khen ngợi: “Bất cứ ai khi xem những bức tranh làng quê này đều thấy bồi hồi, cảm giác như được ùa về những ngày thơ ấu với đầy ắp kỷ niệm. Dù sau này có ra sao thì hình ảnh làng quê bình dị với những khung cảnh thân thuộc vẫn sẽ vẹn nguyên trong tâm trí nhiều thế hệ người Việt”.
Hiểu được mong muốn của mọi người, anh Nguyên chia sẻ: “Trong tương lai, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa về đề tài làng quê, bởi chất liệu này vẫn còn có quá nhiều nội dung cần khai thác. Sau này, nếu có thời gian tôi sẽ nghiên cứu thêm về khung cảnh và văn hóa làng quê các vùng miền trên cả 3 miền đất nước. Tôi tin chắc rằng sẽ còn mang nhiều điều bất ngờ nữa đến cho những người yêu tranh”.