Bão Covid ‘né’ lục địa đen

Bảo Thư 28/11/2021 06:53

Một nghiên cứu của Đại học Adelaide (Australia) cho biết, những người từng mắc Covid-19 thể nhẹ vẫn có kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 trong 12 tháng. Điều này được cho là phần nào lý giải vì sao Covid-19 hình như đã “biến mất” tại Nhật Bản và châu Phi. Tuy nhiên, họ vẫn có thể tái nhiễm khi gặp các biến thể mới, mà cụ thể là biến thể mới có tên là B.1.1529, được cho là có khả năng lây lan gấp đôi so với biến thể Delta.

Khi thực hiện, nhóm nghiên cứu của Đại Học Adelaide đã theo dõi 43 người mắc Covid-19 thể nhẹ. Kết quả cho thấy, có 90% số người vẫn còn kháng thể tồn tại sau 12 tháng. Tuy nhiên, chỉ có 51,2% số người có kháng thể có khả năng chống lại chủng virus SARS-CoV-2 gốc, 44,2% số người có kháng thể có thể vô hiệu hóa biến thể Alpha.

Đáng chú ý, sau 12 tháng nhiễm bệnh, chỉ 16,2% số người có các kháng thể trung hòa có khả năng chống lại biến thể Delta (chủng mới đang lưu hành hiện nay), đối với biến thể Ga mma là 11,6% và biến thể Beta là 4,6%.

Nghiên cứu cũng cho thấy, sau khi hồi phục 12 tháng, những người từng bị mắc Covid-19 thể nhẹ dễ bị tái nhiễm với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Gần đây truyền thông thế giới bày tỏ sự ngạc nhiên trước điều được gọi là “miễn nhiễm với Covid-19” ở nhiều quốc gia châu Phi. Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì tới thời điểm này chỉ có gần 6% người dân ở châu Phi được tiêm chủng Covid-19, và đáng chú ý là số ca mắc đã giảm kể từ tháng 7 năm nay.

Trong khi đó châu Âu và Mỹ vẫn đang bối rối vì sự tấn công mới của virus SARS-CoV-2. Vẫn theo WHO, số ca tử vong do Covid-19 ở châu Phi chỉ chiếm 3% tổng số ca tử vong toàn cầu, trong khi tỉ lệ này ở châu Mỹ và châu Âu lần lượt là 46% và 29%.

Trước thực tế ấy, bà Wafaa -Trưởng Khoa Y tế toàn cầu của Đại học Columbia (Mỹ) phải thốt lên, có một điều bí ẩn đang xảy ra ở châu Phi. “Châu Phi không có vaccine và các nguồn lực để chống lại Covid-19 như ở châu Âu và Mỹ nhưng chẳng hiểu sao tình trạng của họ có vẻ đang tốt hơn”.

Nhưng nhiều ý kiến lại hồ nghi khi cho rằng việc thống kê và thông báo số người nhiễm, người tử vong do Covdi-19 ở các quốc gia châu Phi “nhìn chung là không chính xác”. Điều đó gián tiếp được nhà dịch tễ học Salim Abdool Karim (Đại học KwaZulu-Natal, Nam Phi) “nhắc khéo” rằng “Nhìn những gì đang xảy ra ở châu Âu, nguy cơ Covid-19 tràn ngập ở châu Phi là rất cao”.

Ngày 25/11, châu Phi đã nhận cảnh báo đáng sợ khi “lục địa đen” có thể đối mặt với nhiều làn sóng lây nhiễm mới, bởi đến giờ chỉ có khoảng hơn 6% trên tổng số 1,3 tỉ dân của châu lục này được tiêm phòng đầy đủ. Phần lớn các quốc gia châu Phi phụ thuộc vào nguồn cung vaccine từ nước ngoài.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahs tuyên bố “Chúng tôi phải hoãn một phần kế hoạch đóng góp cho COVAX (Cơ chế tiếp cận vaccine Covid-19 toàn cầu), đóng góp BioNTech quốc tế, từ tháng 12 năm nay đến tháng 1 và tháng 2 năm sau để đảm bảo Đức có đủ vaccine”.

Việc châu Phi hầu như “tai qua nạn khỏi” trong đại dịch Covid-19 được coi là thần kỳ và là một bí ẩn. Người ta đã đưa ra nhiều lý do để lý giải thực tế này nhưng hầu hết không thuyết phục. Lý do nổi lên hơn cả là người dân châu Phi có hệ miễn dịch tốt, khi trong vài chục năm qua luôn phải đương đầu với nhiều dịch bệnh, nhất là dịch sốt rét. Điều đó có thể đã giúp họ sẵn sàng kích hoạt kháng thể cũng như “rèn luyện” được hệ miễn dịch tốt hơn người ở các châu lục khác.

Một lý do nữa được đưa ra là người dân châu Phi dành nhiều thời gian trong ngày sống ngoài trời, trong khi virus lại thường lây lan nhanh trong môi trường kín. Do kinh tế chậm phát triển, nhiều quốc gia không tiến hành đô thị hóa được một cách nhanh chóng, dẫn tới việc mật độ dân số không quá tập trung. Điều đó cũng có nghĩa là ít có môi trường để chủng Delta hoành hành.

Tuy nhiên, giới y tế châu Phi vẫn bày tỏ lo ngại khi vaccine được tiêm chủng quá ít, trong khi đã xác định chỉ có vaccine và thuốc đặc trị mới là vũ khi hữu hiệu dập tắt những đợt dịch do virus gây ra.

“May mắn chúng ta chưa phải là tâm dịch, nhưng nếu quá tự tin mà không thúc đẩy việc tiêm vaccine thì tai họa có thể đến bất cứ lúc nào” - nhà dịch tễ học Salim Abdool Karim nói.

Bảo Thư