Lo Tết không đủ ăn, người lao động loay hoay tìm việc làm
Bước vào những ngày cuối năm, nhiều người lao động bị thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang loay hoay tìm kiếm việc làm với mong muốn có một cái Tết trọn vẹn bên gia đình.
Dù hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội đã dần được khôi phục, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cũng đang tăng, nhưng để tìm một công việc phù hợp với người lao động trong thời điểm cuối năm với bộn bề lo toan này không phải điều dễ dàng.
“Cày cuốc” kiếm tiền ăn Tết
Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 khiến nhiều người lao động rơi vào tình cảnh mất việc, kinh tế gia đình khó khăn. Chỉ còn khoảng hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, áp lực công việc đối với người lao động càng trở nên nặng nề hơn.
Sau thời gian dài thất nghiệp, những ngày cuối năm khi thành phố dần nới lỏng giãn cách, nhiều người lao động đang tăng tốc tìm một công việc mới, ổn định cuộc sống.
Đã gần nửa năm nay, anh Lưu Ngọc Phương (huyện Nông Cống, Thanh Hóa), làm nghề xe ôm công nghệ không có việc làm.
Rời quê lên Hà Nội làm ăn hơn 5 năm, anh Phương chia sẻ, chưa bao giờ gia đình anh rơi vào tình trạng khó khăn như hiện nay. Còn ít ngày nữa là bước sang năm mới mà tới thời điểm này, vợ chồng anh chị không để ra được đồng nào để về quê ăn Tết.
Mong muốn có một cái Tết trọn vẹn bên gia đình, hơn 1 tháng qua, anh Phương chạy đôn, chạy đáo nhiều nơi để kiếm việc làm phù hợp.
Anh Phương cho biết: “Giai đoạn không có việc làm thật bí bách. Tôi đã từng đi tìm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp gần nhà nhưng vẫn chưa tìm được việc làm như mong muốn. Lúc này chỉ mong “cày cuốc” để dành dụm được chút tiền gửi về cho bố mẹ vào dịp Tết Nguyên đán”.
Đặt mục tiêu sẽ tìm được công việc trước Tết cổ truyền, anh Nguyễn Đình Tuấn Anh (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã di chuyển nhiều quãng đường dài đến các trung tâm dịch vụ việc làm, mong muốn được kết nối với các doanh nghiệp, tìm việc làm liên quan đến ngành cơ khí, đóng gói.
Anh Tuấn Anh cho biết, dịch bệnh khiến hoạt động kinh doanh của công ty anh từng làm việc 3 năm bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Anh tự xin nghỉ việc đã hơn 1 tháng nay để tìm kiếm một công việc mới với mức lương ổn định hơn, khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng.
“Thời điểm cận Tết có nhiều việc phải lo toan, nhưng chủ yếu là không có tiền thôi. Dù biết kiếm một công việc mới như mong muốn thời điểm này không phải dễ dàng nhưng tôi vẫn quyết định chuyển việc để tìm cơ hội mới cho mình”, anh Tuấn Anh nói.
Tăng kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp
Thông tin về nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động và tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội) cho biết, để đạt mục tiêu các sự kiện cuối năm như Tết Dương lịch, Âm lịch và dịp Noel... các doanh nghiệp và người lao động thường có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm rất lớn.
Sau khi TP Hà Nội trở về trạng thái bình thường mới, ngành bán buôn, bán lẻ được nới lỏng khiến cho nhu cầu lao động tăng cao, tập trung ở vị trí nhân viên văn phòng, chiếm tới 56,11% và thợ các loại chiếm 17,27%.
Nhân sự các ngành được tìm kiếm nhiều thuộc về lĩnh vực thương mại dịch vụ, thương mại điện tử, giao nhận vận tải, các công việc thời vụ…
Ông Thành cho biết: “Thực tế nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong thời gian gần đây, nhất là khi có những chính sách mới trong công tác phòng chống dịch thì trên toàn hệ thống điểm sàn của Trung tâm đã tiếp nhận số lượng tăng trưởng cao hơn so với trước đây”.
Theo nhận định của ông Thành xu hướng tuyển dụng và tìm kiếm việc sẽ tiếp tục tăng mạnh vào dịp cuối năm. Trước nhu cầu này, để kết nối nhu cầu của người lao động và doanh nghiệp, riêng trong tháng 10/2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 20 phiên giao dịch việc làm hằng ngày, 1 phiên online 6 tỉnh, thành phố. Tại các phiên giao dịch này, đã có 327 lượt đơn vị doanh nghiệp tham gia với tổng số 5.226 chỉ tiêu tuyển dụng; có 2.161 lượt người lao động được phỏng vấn kết nối việc làm; kết quả 499 người được nhận hồ sơ, tuyển dụng.
Mới đây, 25/11, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cũng đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 6 tỉnh, thành phố.
Phiên giao dịch đã thu hút 78 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng 8.602 vị trí việc làm, trong đó có 1.015 vị trí việc làm tại Hà Nội, 2.000 vị trí việc làm tại tỉnh Bắc Giang, 1.885 vị trí tại tỉnh Bắc Ninh, 1.583 vị trí tại tỉnh Thái Nguyên, 1.133 vị trí tại tỉnh Thanh Hóa và 986 vị trí tại tỉnh Vĩnh Phúc, nhằm kết nối được việc làm cho người lao động, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp và ảnh hưởng tiêu cực.
Hàng ngàn vị trí việc làm có sẵn với đa dạng ngành nghề đã giúp người lao động có nhiều lựa chọn công việc phù hợp với bản thân. Song song với đó, trung tâm cũng đã chủ động làm việc với các tỉnh, thành lân cận để thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động trong bối cảnh thị trường việc làm có sự khởi sắc hơn khi số lượng người tìm đến trung tâm ngày một nhiều.
“Mục đích của các phiên giao dịch việc làm là tập trung các giải pháp về thị trường lao động, kết nối doanh nghiệp và người lao động để phục hồi sản xuất. Hi vọng rằng, những ngày cuối năm, cơ hội việc làm sẽ đến với người lao động không chỉ ở Hà Nội mà còn mở rộng ra các tỉnh thành khác, để người lao động có một cái Tết trọn vẹn bên gia đình”,ông Thành cho biết.