Nhiều huyện ở Hà Nội bát nháo phân lô bán nền
Nhiều khu vực đất của các huyện ven đô nở rộ tình trạng bát nháo gom đất thổ cư phân lô bán nền.
Tràn lan phân lô bán nền
Những ngày đầu tháng 11, tại dự án thuộc thôn Phúc Tiến (xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội) cũng được quảng bá bán tràn lan. “Giai đoạn 1 nằm ngay đầu ngõ đã được phân lô, tách thửa và bán hết. Chủ đầu tư đang làm giai đoạn 2, gồm 16 lô, diện tích từ 77 - 110m2, tất cả đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
"Nếu có tiền mua ngay thì ký với bên em, sau đó công ty sẽ sang tên sổ đỏ cho chị”, một nhân viên môi giới Cty Vinland nói.
Trong khi đó, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Thạch Thất khẳng định, trên địa bàn không có dự án bất động sản nào.
Tương tự, địa bàn các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì, Sóc Sơn, hàng chục dự án phân lô bán nền tự phát tương tự với những cái tên như: 72 và 108 lô Bãi Dài, Tiến Xuân; 40 lô Phú Cát...
Ở thôn Thiên Mã (xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) nườm nượp người đi ô tô lớn nhỏ vào xem đất. Phía sâu trong con ngõ dài khoảng 300m, 2 thửa đất đã được san phẳng, chia lô. Cả 2 thửa đất được chia đôi bằng con đường mới vừa rải nhựa, đấu nối trực tiếp vào đường ngõ. Phần đất còn lại hai bên đường được chia thành hàng chục lô lớn nhỏ, ngăn nhau bằng những đường chỉ gạch ngang dọc.
Trong vai một nhà đầu tư, phóng viên được nhân viên môi giới (người này tự giới thiệu thuộc sàn giao dịch Bất động sản WonHomes) thuyết minh về khu đất nền 34 lô Cổ Đông- Hoà Lạc (xã Cổ Đông). Dự án gồm 34 lô đất diện tích từ 180m2 đến trên 200m2. Giá bán dao động 9 - 15,9 triệu đồng/m2.
Các dự án này được thiết kế, in tờ rơi quảng cáo, gắn biển rầm rộ. Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND thị xã Sơn Tây cho biết, trên địa bàn xã không có dự án nào có tên Khu đất nền 34 Cổ Đông. Theo đó, đây đều là đất thổ cư trong dân do các nhóm người mua rồi tự phân lô bán cho nhà đầu tư.
Siết tình trạng phân lô bán nền
Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, Nghị định 148/2020/NĐ-CP cùng với Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021 (kết hợp với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo vệ môi trường), quy định điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa để quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình trạng phân lô, bán nền.
Điều 143 và Điều 144 Luật Đất đai chỉ cho phép UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở nông thôn, đất ở đô thị, không quy định tách thửa đối với các loại đất khác, không phải là đất ở.
Nhưng Khoản 31 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP đã bổ sung Điều 43d Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Theo HoREA, quy định này không rõ ràng, dẫn đến "ngộ nhận" là có thể cho phép tách thửa đối với tất cả các loại đất, mà lẽ ra cụm từ "từng loại đất" phải được hiểu thống nhất là chỉ bao gồm "đất ở nông thôn, đất ở đô thị".
Để khắc phục tình trạng tách thửa thiếu chặt chẽ, dẫn đến phân lô bán nền tràn lan, Khoản 23 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP bổ sung Điều 75a Nghị định 43/2014/NĐ-CP, quy định điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa.
Theo đó, UBND cấp tỉnh căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng và điều kiện cụ thể tại địa phương để quy định cụ thể điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất theo từng loại đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất.
"Như vậy, Điều 75a đã quy định chặt chẽ điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa so với các quy định trước đây, để quản lý và kiểm soát chặt chẽ tình trạng phân lô bán nền", HoREA khẳng định.