Chật vật mưu sinh sau đại dịch
Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hầu hết người dân TP HCM đã trở về với công việc thường nhật. Thế nhưng cuộc mưu sinh của người nghèo, người bán vé số, lao động tự do, thời vụ... dường như đang khó khăn hơn trước rất nhiều.
Anh Nguyễn Văn Tuân, 42 tuổi ở Đức Huệ (Long An) cho biết, hàng ngày chạy xe gắn máy lên TP HCM bán bánh bò, bánh dừa, bánh bột nướng. “Trước kia mỗi ngày bán 3-4 ký lô bột, nếu trời mát có khi bán 5 ký. Mấy tuần gần đây phải chạy xe nhiều hơn mà thường chỉ bán 2 ký. Thu nhập cũng giảm còn một nửa mà tiền xăng tăng thêm gấp đôi”, anh Tuân kể.
Theo người đàn ông này, bánh của anh hầu hết bán cho trẻ em, thanh thiếu niên học sinh nên thông thường anh hay đậu xe trước cửa trường học vào buổi trưa và buổi chiều. Bánh nướng đến đâu bán hết đến đó nên nhiều học sinh rất thích, giá cũng chỉ có 5 ngàn đồng/chiếc. Nhưng thời gian qua dịch bệnh nên các trường học chưa mở cửa trở lại, anh phải chạy xe vào các hẻm, đường nhỏ để rao bán. Vừa tốn chi phí xăng xe, vừa ít khách.
Dựng chiếc xe đạp vào lề đường Quách Điêu (xã Vĩnh Lộc A, Bình Chánh, TP HCM), bà Bùi Thị Tâm, 51 tuổi vừa mời khách mua vé số, vừa lo lắng bảo thời gian này bán vé chậm hơn rất nhiều.
“Tôi quê ngoài Phù Cát (Bình Định) nhưng vào thành phố bán vé số hơn mười năm nay. Hàng ngày, hai vợ chồng thuê trọ bên Hóc Môn rồi đi bán vé số. Ở lại thành phố được Nhà nước hỗ trợ, cũng bớt phần nào gánh nặng. Nhưng hết dịch cuộc sống khó khăn mới bắt đầu. Giờ mỗi ngày tôi chỉ bán được 70-80 vé, bằng một nửa trước kia. Thậm chí có ngày chỉ bán chừng 50 vé mà thôi”, bà Tâm chia sẻ.
Theo bà Tâm, nguyên nhân chủ yếu của việc bán vé số chậm là những nơi đông người như quán ăn, quán cà phê, quán nhậu... giờ ít người hơn, khách cũng ngại tiếp xúc, nói chuyện, mua ủng hộ. Ngoài ra, bà còn cho biết thời gian này đồ ăn, đồ dùng ở thành phố cái gì cũng tăng giá nên thu nhập giảm nên việc mưu sinh ngày càng khó khăn hơn.
Thời gian gần đây, rất nhiều gói hỗ trợ, chính sách của Nhà nước, thành phố nhằm phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, nhưng dù nỗ lực đến đâu, những chính sách ấy vẫn chưa “chạm” hết được tới những người nghèo, người lao động tự do mưu sinh. Gần 1 tháng qua, ngày nào cũng đẩy xe tàu hũ, chè nóng dọc các tuyến đường ở quận 12, anh Bùi Văn Sang, 27 tuổi quê ở Phú Bài (Thừa Thiên- Huế) cho biết vẫn chưa quen với công việc mới này.
Anh Sang kể hồi giữa năm 2020 anh cùng vợ chồng chị gái hùn vốn mở tiệm chè đặc sản cung đình ở bên quận Tân Phú. “Mấy tháng đầu cũng bán được lắm vì khu đó gần trường đại học, cao đẳng, trường cấp 3 nên rất đông khách. Nhưng từ khi bắt đầu có dịch nên lúc bán, lúc nghỉ theo yêu cầu của thành phố. Tới năm 2021 thì kinh doanh khó khăn hơn, hầu hết là bán mang về rồi ngưng hẳn. Ban đầu mấy anh chị em tính chỉ nghỉ nửa năm nên gồng gánh tiền mặt bằng 18 triệu đồng/tháng, dù không mở quán. Sau đó thấy dù có bán lại nhưng sinh viên, học sinh chưa đi học thì cũng không có khách nên phải trả mặt bằng.
“Giờ mình đẩy xe bán tàu hũ, chè nóng dù vất vả nhưng mỗi ngày cũng kiếm vài trăm ngàn nuôi vợ con, đợi khi cuộc sống bình thường lại sẽ tìm mặt bằng phù hợp mở quán”, anh Sang giãi bày.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM trong thời gian dịch bệnh diễn ra thành phố đã có 3 gói hỗ trợ theo khung thời gian khác nhau dành cho người nghèo, người lao động tự do, lao động thời vụ trên địa bàn. Trong đó gói hỗ trợ thứ nhất và thứ hai đã giải ngân hoàn toàn, riêng gói hỗ trợ thứ 3 trị giá 1 triệu đồng/người vẫn tiếp tục giải ngân...