Lượng kiều hối về Việt Nam tăng mạnh do đâu?
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lượng kiều hối đổ về Việt Nam đang tăng mạnh trong năm nay.
Thống kê theo Ngân hàng Thế giới và tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD lượng kiều hối trong năm 2020 về VN là 17,2 tỉ USD, đứng thứ 11 thế giới. Dự đoán tổng kiều hối về các quốc gia thu nhập thấp và trung bình sẽ tăng 7,3%, lên mức 589 tỉ USD trong năm 2021. Sự phục hồi này cao hơn mức ước tính trước đó và duy trì xu thế vững chắc của năm 2020, khi kiều hối chỉ giảm 1,7% dù đại dịch Covid-19 đã kéo nền kinh tế thế giới vào suy thoái. Kiều hối được dự báo sẽ tăng 2,6% trong năm 2022.
Rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế nói chung và kiều hối nói riêng ở quy mô toàn cầu là việc số ca Covid-19 tăng trở lại và các biện pháp hạn chế đi lại được tái lập. Bên cạnh đó, khi kinh tế phục hồi đủ, việc chấm dứt gói kích thích và ngừng hỗ trợ lao động cũng có thể làm giảm lượng kiều hối. Như vậy, lượng kiều hối về VN liên tục tăng trong 21 năm qua hơn 13,7 lần, năm 2000 ở mức 1,32 tỉ USD thì năm 2021 ước lên 18,1 tỉ USD.
Theo GS Hà Tôn Vinh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty giáo dục, đào tạo và tư vấn quốc tế Stellar Management, phân tích lượng kiều hối chuyển về Việt Nam tăng gần đây cũng có những lý do liên quan dịch Covid-19. Với tình hình dịch bùng phát ở các nước châu Âu, Mỹ như hiện nay, kiều bào cũng như lao động ở nước ngoài lo ngại những bất trắc xảy ra nên có tiền là họ chuyển về nước. Thêm vào đó, mỗi năm số lượng kiều bào về quê thăm người thân, đi du lịch rất cao, nay do dịch nên không về được và họ ít nhiều gửi phần nào số tiền tích cóp về nước.
Thông thường thời điểm cuối năm, dòng tiền trên thị trường chuyển vào hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tăng lên để chuẩn bị cho dịp lễ hội, đặc biệt là tết. Thế nhưng, với những diễn biến dịch Covid-19 trong nước như hiện nay, tâm lý người tiêu dùng vẫn đang phòng thủ nhiều hơn. Họ chưa thật sự an tâm chi tiêu nên hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn mang tính chất thăm dò. Đây cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến dòng vốn kiều hối chưa chảy mạnh vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Sang năm 2022, dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động sản xuất kinh doanh khởi sắc sẽ thu hút nhiều hơn dòng kiều hối vào kênh này.
Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Viễn Đông, cũng cho rằng trong các gói hỗ trợ kinh tế của các nước Bắc Mỹ, châu Âu, có phần gói hỗ trợ an sinh xã hội, có nước trả 400 - 600 USD/người/tuần vào tài khoản đối với những người thất nghiệp. Nhiều người không làm gì mà mỗi tháng nhận lên đến 2.000 USD. Hơn nữa, tình hình dịch bệnh vừa qua tại Tp.HCM diễn ra khá phức tạp, khiến nhiều kiều bào tích góp gửi về cho người thân nhiều hơn.
Hiện lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại Việt Nam quanh mức 5 - 6%/năm, dù có giảm so với trước nhưng cao hơn ở nước ngoài. Gửi tiền về nước vừa lãi cao mà bảo đảm an toàn hơn. Chứng khoán hiện nay cũng là kênh hấp dẫn nguồn vốn này nhưng đòi hỏi người chơi phải hiểu biết nên cũng có thể nói ai thích mạo hiểm sẽ không bỏ qua kênh này.
Giám đốc Toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) về An sinh xã hội và Việc làm, ông Michal Rutkowski, cho biết dòng kiều hối từ người di cư đã cùng các chương trình hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt của chính phủ giúp đỡ nhiều gia đình gặp khó khăn kinh tế do đại dịch Covid-19. Do đó, các quốc gia cần có chính sách tạo điều kiện cho dòng kiều hối được trở về để hỗ trợ cho đà phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Các nhân tố đóng góp cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của kiều hối toàn cầu bao gồm quyết tâm giúp đỡ gia đình kịp thời của người di cư, cùng với đó là sự phục hồi kinh tế ở châu Âu và Mỹ nhờ lực đẩy từ các gói kích thích tài khóa, chương trình hỗ trợ việc làm.
Chủ tịch KNOMAD Dilip Ratha cho rằng các quốc gia cần mở rộng quyền tiếp cận tài khoản ngân hàng và dịch vụ chuyển tiền cho người di cư nếu muốn dòng kiều hối tiếp tục tăng trưởng, đồng thời bảo vệ để họ không bị trả lương quá thấp và đảm bảo cho họ khả năng tiếp cận vaccine.