Tổng thống Nam Phi kêu gọi bỏ lệnh cấm đi lại liên quan biến thể Omicron
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã lên án việc áp đặt lệnh cấm đi lại “bất hợp lí” của các quốc gia trên thế giới đối với Nam Phi vì biến thể mới Omicron và kêu gọi gỡ bỏ lệnh cấm.
Sau khi được phát hiện đầu tiên tại châu Phi, các trường hợp biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 được ghi nhận tại ít nhất 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều chính phủ đã nhanh chóng đóng cửa biên giới trong khi WHO vẫn chưa kết luận về khả năng lây lan và độc lực của biến thể này.
Israel đã ra quyết định cấm nhập cảnh đối với du khách nước ngoài và bắt buộc kiểm dịch đối với toàn bộ người Israel đã đến hoặc trở về từ nước ngoài.
Maroc cũng đình chỉ tất cả các chuyến bay quốc tế đến quốc gia này trong hai tuần bắt đầu từ ngày 29/11. Ngày 28/11, Bộ Ngoại giao Maroc đã đăng trên Twitter cho biết: Tất cả các chuyến bay đến quốc gia Bắc Phi sẽ bị tạm dừng để “bảo tồn những thành quả mà Maroc đã đạt được trong cuộc chiến chống đại dịch và để bảo vệ sức khỏe của công dân”.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, Nhật Bản đang xem xét tăng cường kiểm soát biên giới. Ông dự định công bố các biện pháp mới bên cạnh yêu cầu kiểm dịch 10 ngày hiện có đối với du khách đến từ Nam Phi và 8 quốc gia lân cận khác. Nhật Bản vẫn đóng cửa biên giới đối với khách du lịch nước ngoài từ bất kỳ quốc gia nào.
Mỹ cũng ra kế hoạch cấm du lịch đối với các hành khách từ Nam Phi và bảy quốc gia láng giềng khác bắt đầu từ ngày 28/11.
Đây được xem là những động thái hành động quyết liệt của các quốc gia trên thế giới để làm chậm sự lây lan của biến thể mới này.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho biết, chưa có dữ liệu nào cho thấy biến thể mới gây bệnh nghiêm trọng hơn các biến thể Covid-19 trước đó.
Việc ban hành các lệnh cấm này đã khiến nhiều lãnh đạo châu Phi không hài lòng. Tổng thống Cyril Ramaphosa cho biết, ông "vô cùng thất vọng" trước lệnh cấm nhập cảnh “phi lí” của các quốc gia trên thế giới đối với Nam Phi và kêu gọi gỡ bỏ lệnh cấm khẩn cấp.
Trong bài phát biểu trước toàn dân ngày 29/11, ông nói: "Chúng tôi kêu gọi tất cả những quốc gia đã áp đặt lệnh cấm đi lại đối với đất nước chúng tôi và các quốc gia láng giềng của chúng tôi ở khu vực phía Nam châu Phi lập tức thay đổi quyết định của mình”.
Ông cho rằng, không có cơ sở khoa học nào cho các lệnh cấm đi lại này. Nam Phi đang trở thành nạn nhân của sự phân biệt đối xử bất công. Việc cấm đi lại không hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của biến thể này. Điều duy nhất mà lệnh cấm này mang lại là sẽ gây ra thiệt hại nặng nề hơn nữa cho nền kinh tế của các nước bị ảnh hưởng, đồng thời làm suy yếu khả năng ứng phó và phục hồi sau đại dịch.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp Omicron là một biến chủng "đáng lo ngại" song cảnh báo các quốc gia không nên vội vàng áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại làm ảnh hướng tới kinh tế và du lịch. Cần có những biện pháp thực hiện đúng đắn và khoa học.
Nam Phi đang phải vật lộn với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm và tỷ lệ thất nghiệp cao, tới hơn 34%. Tổng thống Ramaphosa nhấn mạnh: "Thay vì cấm đi lại, các cường quốc nên hỗ trợ các quốc gia đang phát triển tiếp cận và sản xuất vaccine hiệu quả hơn”.
Ông cũng mô tả sự xuất hiện của biến thể Omicron như một lời cảnh tỉnh cho thế giới về tình trạng bất bình đẳng vaccine. Các biến thể mới khác sẽ vẫn còn xuất hiện cho đến khi tất cả mọi người đều được tiêm vaccine đầy đủ.
Một tuyên bố trước đó của Bộ Ngoại giao Nam Phi hôm 28/11 cũng chỉ trích mạnh mẽ lệnh cấm du lịch, tuyên bố cho rằng, Nam Phi đang bị “trừng phạt” - thay vì hoan nghênh - vì phát hiện ra chủng mới Omicron.