Quảng Ninh: Hé lộ nguồn gốc của 2 hũ kim loại cổ phát hiện ở Yên Tử
Theo nhận định sơ bộ, 2 hũ kim loại cổ phát hiện ở Yên Tử (Quảng Ninh) có thể liên quan đến một tông phái tu hành thời Trần, thế kỷ XIII-XIV.
Trên cơ sở báo cáo của Bảo tàng Quảng Ninh, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh đã thông tin kết quả sơ bộ về 2 hũ kim loại cổ vừa phát hiện tại Yên Tử. Theo đó, 2 hũ kim loại cổ có thể có niên đại thời Trần, thế kỷ XIII-XIV. Phần xương cốt bên trong có thể thuộc về hai người có mối liên hệ gần gũi về gia đình hoặc một tông phái tu hành thời Trần tại khu vực Am Hoa trên núi Yên Tử.
Trước đó, vào ngày 25/11, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Uông Bí (Quảng Ninh) xác nhận việc phát hiện 2 hũ kim loại cổ trong khi lực lượng thi công gia cố các trụ văng cáp treo tại khu vực ga số 3, Khu di tích danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh).
Ngay sau khi phát hiện, UBND TP Uông Bí đã có công văn đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao Quảng Ninh cử cán bộ chuyên môn về phối hợp khảo sát, xác minh làm rõ niên đại, giá trị các di vật trên; có phương án đề xuất các biện pháp bảo vệ, phát huy giá trị di vật (nếu có) để đảm bảo cho việc bảo vệ di sản văn hóa theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Theo báo cáo đánh gia sơ bộ của các cơ quan chuyên môn, 2 hũ kim loại này được chôn trong cùng một khu vực ở độ sâu khoảng 50-70cm so với mặt nền, nằm cách nhau khoảng 70 cm, có kích thước cao khoảng 23 cm, đoạn rộng nhất khoảng 20 cm và được làm bằng đồng.
Xung quanh hai hũ đồng có đất sét trắng, bên trên là đất đồi màu vàng, nâu và đá phiến. Không phát hiện dấu tích hay mảnh vỡ gạch, ngói, gốm sứ xung quanh. Cả hai hũ đồng đều bị vỡ một mảng lớn bên thân do lực tác động khi đào đất, có thể nhìn thấy di cốt xương bên trong. Do đó, một phần tạp chất là đất đồi và nước lẫn vào bên trong hũ. Hai hũ đều được làm bằng chất liệu đồng, có hình dáng và kỹ thuật chế tác tương tự nhau và đều có hai phần: Thân và nắp đậy có núm tròn, tạo dáng hình búp sen.
Một hũ còn rõ vết gắn giữa thân và nắp một hợp chất màu xám nhạt và xám đen ở vành ngoài nắp và vai hũ. Một hũ khác cho thấy rõ một thanh đồng tròn dài xuyên qua đường kính nắp và miệng hũ để khóa nắp. Phần đáy của một hũ đồng đã có dấu hiệu bị oxy hóa nghiêm trọng.