4 tỉnh quyết tâm làm đường Vành đai 3
Với chiều dài khoảng 130 km, đường Vành đai 3 là một trong những dự án hạ tầng quan trọng bậc nhất khu vực phía Nam. Mặc dù có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy kinh tế-xã hội, kết nối nhiều tỉnh thành phía Nam nhưng dự án lớn này cũng đối diện với nhiều thách thức. Trong đó quan trọng nhất chính là nguồn vốn đầu tư…
Dự án đường Vành đai 3 lấy trung tâm là TP HCM đi qua địa bàn của 3 tỉnh lân cận là Bình Dương, Đồng Nai và Long An với mục đích kết nối, rút ngắn thời gian vận chuyển giữa các địa phương trên. Sau khi hoàn thành gần 16 km từ Bình Chuẩn tới Tân Vạn (Bình Dương), dự án chuẩn bị khởi công đoạn Tân Vạn đi Nhơn Trạch (Đồng Nai) dài gần 29 km trong ít ngày tới.
Theo quy hoạch, dự án đường Vành đai 3 có vai trò kết nối 4 tỉnh thành phía Nam với TP HCM là trung tâm, đi qua hầu hết các khu cụm công nghiệp, cảng biển lớn với quy mô thiết kế là đường cao tốc và đường song hành, đường nối đi kèm qua khu dân cư. Ngoài ra tuyến đường này cũng giúp giảm áp lực cho quốc lộ 1A, cao tốc TP HCM-Trung Lương, TP HCM-Long Thành-Dầu Giây...
Dự án đường Vành đai 3 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ 10 năm trước và dự kiến hoàn thành năm 2020 nhưng không thực hiện đúng kế hoạch. Dự án được chia thành 4 đoạn thành phần cùng tuyến cao tốc Bến Lức-Long Thành (dài 55 km). Trong đó đoạn 1 từ Long Thành đi Tân Vạn (dài 29 km) chuẩn bị khởi công quý I/2022, đoạn 2 từ Tân Vạn đi Bình Chuẩn (dài gần 16 km) đã hoàn thành giai đoạn 1, đoạn 3 từ Bình Chuẩn đi quốc lộ 22 (dài 19,1 km) và đoạn 4 từ quốc lộ 22 đi Bến Lức (dài 28,9 km) chưa được xây dựng.
Ngoài tuyến chính được thiết kế theo quy chuẩn đường cao tốc 8 làn xe, dự án gồm có đường gom kết nối, đường song hành qua khu dân cư dài 8,3 km. Dự kiến, dự án sẽ được thực hiện đồng loạt ở các địa phương với mục tiêu hoàn thành vào năm 2025.
Mặc dù có ý nghĩa to lớn như vậy, nhưng dự án này cũng đối diện với nhiều thách thức. Trong đó quan trọng nhất chính là nguồn vốn đầu tư…Theo UBND TP HCM, dự án đường Vành đai 3 có nguồn vốn lên đến gần 178.000 tỉ đồng. Đây là số vốn quá lớn trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành phía Nam vừa chịu sự tác động lớn từ dịch Covid-19. Vì vậy, ngoài việc kêu gọi hỗ trợ từ Trung ương, dự án cũng cần có cơ chế để huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp tư nhân.
Theo đại diện tỉnh Long An, dự án với nguồn vốn lớn, vượt quá khả năng của tỉnh trong giai đoạn vừa bị ảnh hưởng nhiều vì dịch Covid-19. Vì vậy, tỉnh này đề nghị được hỗ trợ nguồn vốn từ Trung ương cùng với vốn địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Ngoài ra tỉnh Long An cũng đang xin lãnh đạo cơ chế để kêu gọi doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng đường song hành, hạ tầng tuyến chính và trả bằng việc khai thác quỹ đất ven đường song hành.
Tương tự là tỉnh Bình Dương. Hiện tỉnh này cũng quyết tâm thực hiện dự án nhưng cần thêm cơ chế “đổi đất lấy công trình” để kêu gọi doanh nghiệp tư nhân chung sức.
Theo một chuyên gia về hạ tầng giao thông, với nguồn kinh phí rất lớn như dự án đường Vành đai 3 cần nhiều nguồn vốn. Ngoài vốn ngân sách, vốn vay ngân hàng, vốn địa phương thì nguồn vốn doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng hết sức quan trọng. Do dự án được chia nhỏ thành nhiều thành phần và kết nối với nhiều tuyến cao tốc hiện hữu nên dự án không thể thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) vì đã có một số trạm thu phí.
Vì vậy, phương án đầu tư BT (đổi đất lấy công trình) là khá khả thi. Bởi hầu hết các khu vực mà đường Vành đai 3 sẽ đi qua này đều là hạ tầng trống, chưa có khai thác. Việc cho phép doanh nghiệp đầu tư và khai thác sẽ thúc đẩy hơn nữa hệ sinh thái đường cao tốc, đường gom, đường song hành của dự án này.
Dự án đường Vành đai 3 lấy trung tâm là TP HCM đi qua địa bàn của 3 tỉnh lân cận là Bình Dương, Đồng Nai và Long An với mục đích kết nối, rút ngắn thời gian vận chuyển giữa các địa phương trên.