‘Siêu' biến thể Omicron: Cái giá quá lớn tới từ bất bình đẳng vaccine
Tình trạng phân phối vaccine không đồng đều giữa các nước giàu và nghèo được cho là tạo cơ hội để những biến chủng mới như Omicron xuất hiện.
Kể từ khi vaccine phòng Covid-19 được ban hành tại nhiều quốc gia giàu có vào đầu năm nay và trở nên phổ biến trên diện rộng, các chính phủ phần lớn cho rằng, đây là dấu hiệu “hạ nhiệt" của đại dịch.
Tuy nhiên, nhiều chính phủ đã phải theo dõi sát sao kế hoạch mở cửa trở lại sau đợt bùng phát chủng Delta, cùng với vấn nạn từ chối tiêm vaccine cũng như bằng chứng về khả năng suy giảm miễn dịch do lây nhiễm trước đó, cho thấy việc đánh giá như trên là quá sớm.
Một vấn đề quan trọng khác đã được các nhà lãnh đạo y tế thế giới đề cập rộng rãi trong một thời gian, là nếu virus được tự do lây lan mà không bị ngăn chặn ở bất cứ đâu trên thế giới, nó sẽ chuyển hoá thành một biến thể nguy hiểm - một phiên bản có thể “trốn" khả năng miễn dịch của vaccine, trở nên “cực kỳ chết chóc". Điều này có nghĩa là nếu vaccine không tới đến các nước nghèo, thì các biến thể có thể sẽ vượt ngoài tầm tay của lực lượng y tế toàn cầu cho đến thời điểm hiện tại.
Điều đáng lo ngại là Omicron mang trong mình hơn 30 đột biến trên protein gai của chúng. Protein này về cơ bản hoạt động như một chìa khóa để xâm nhập vào tế bào con người và các loại vaccine hiện nay đang tập trung vào việc xác định quá trình này, nhằm kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể. Số lượng đột biến cao trong Omicron đồng nghĩa với việc, hệ thống miễn dịch của chúng ta có thể không truy vết được biến thể này.
Dựa trên văn bản cựu Thủ tướng Vương quốc Anh Gordon Brown đã viết trong một chuyên mục về chủ đề này, các quốc gia giàu có đang sở hữu lượng vaccine dồi dào - và thậm chí vứt bỏ nguồn cung dư thừa - trong khi các quốc gia nghèo hơn vẫn đang chờ đợi được tiêm phòng trong tuyệt vọng.
Chỉ có 3% người dân ở các nước thu nhập thấp được tiêm chủng đầy đủ - một tỷ lệ khập khiễng so với hơn 60% người dân ở các nước thu nhập cao và trung bình. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ tại châu Âu và Mỹ lần lượt là 67% và 58%, tương phản hoàn toàn với Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, nơi mới chỉ tiêm đầy đủ cho 1,7% trong số 206 triệu dân. Ethiopia, nước đông dân thứ hai châu Phi, mới đạt 1,2%.
Loạt trở ngại đang dần được gỡ bỏ. COVAX dự kiến cung cấp ít nhất 400 triệu liều vaccine vào tháng tới. Các hãng dược phẩm trên toàn cầu cũng đang trên đà sản xuất tổng cộng 12 tỷ liều vaccine vào cuối năm nay, theo Liên đoàn Các nhà sản xuất và Hiệp hội Dược phẩm Quốc tế.
Con số này lớn hơn 11 tỷ liều mà WHO cho rằng cần thiết để tiêm chủng đầy đủ cho 70% dân số thế giới. Tuy nhiên, phần lớn số vaccine này nhiều khả năng sẽ được chuyển tới các quốc gia giàu có để phục vụ chiến dịch tiêm liều tăng cường. Các nước nghèo hơn vẫn chưa xác định rõ thời điểm vaccine của họ dự kiến được chuyển đến.
Ngay cả khi giải quyết được vấn đề nguồn cung cho các nước nghèo, giới chức y tế vẫn sẽ gặp phải nhiều thách thức khác. Người dân tại những nơi báo cáo ít ca nhiễm, có thể bởi tỷ lệ xét nghiệm thấp, không có nhiều động lực đi tiêm. Bên cạnh đó, tâm lý ngần ngại vaccine tại những khu vực mang tư tưởng bảo thủ sâu sắc của châu Phi, như miền bắc Nigeria, khiến khó khăn với giới chức y tế thêm chồng chất.
Bảo quản vaccine đúng cách cũng là vấn đề đau đầu đối với những nước có nguồn điện không ổn định. Một số quốc gia châu Phi thậm chí đề nghị COVAX dời lịch giao vaccine sang năm sau để họ có thời gian thiết lập cơ sở hạ tầng tiêm chủng, vốn rất tốn kém.
Giữa lúc đó, biến chủng Omicron trỗi dậy và lây lan tại một số nước phía nam châu Phi từ giữa tháng 11. Chỉ hai tuần sau, biến chủng này bắt đầu lây lan xuyên lục địa, xuất hiện ở châu Á, châu Âu, khiến một loạt quốc gia áp đặt lệnh hạn chế đi lại với khu vực.