Thế giới ‘rung lắc’ vì Omicron

Hà Anh 01/12/2021 06:10

Khi các nhà khoa học đang chạy đua để đánh giá những hậu quả mà biến thể Omicron có thể gây ra, thì việc phát hiện sớm cùng các tuyên bố, phản ứng toàn cầu ngay sau khi xuất hiện thông tin về siêu biến thể mới của SARS-CoV-2 cho thấy giai đoạn mới trong cuộc chiến chống Covid-19 đã bắt đầu.

Rúng động vì Omicron

Sáng ngày 23/11, ông Tulio de Oliveira, Giám đốc trung tâm ứng phó dịch bệnh Nam Phi, chia sẻ với một đồng nghiệp về một biến thể chưa từng gặp từ trước đến nay. Họ phát hiện thấy một nhân tố không xuất hiện trên protein gai của virus –một tín hiệu cho thấy virus có thể đã biến đổi. Kết quả giải trình tự gien sau đó cho thấy mẫu mới có nhiều hơn hàng chục đột biến so với chủng gốc. Đến ngày 15/11, Bộ trưởng Y tế và các nhà khoa học Nam Phi đã chính thức ra thông báo về B.1.1.529, biến thể một ngày sau đó được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt tên chính thức là Omicron và liệt vào diện “biến thể đáng lo ngại”.

Việc chia sẻ và công bố thông tin về Omicron được tiến hành ở cấp độ đặc biệt nhanh, gần như chưa có tiền lệ. Chỉ sau 4 ngày biến thể có tên chính thức, ngày 29/11, Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra cảnh báo rằng, biến thể Omicron có nguy cơ lây lan rộng. Ngày 30/11, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, sự xuất hiện của Omicron cho thấy tình hình nguy hiểm và bấp bênh như thế nào và kêu gọi các bộ trưởng y tế họp tại Geneva để theo đuổi một thỏa thuận mới về đại dịch.

Tại Bỉ đã ghi nhận ca nhiễm Omircon đầu tiên, là một phụ nữ bay từ Ai Cập qua Thổ Nhĩ Kỳ. Kế đến, Đức ghi nhận 2 ca ở Munich, là 2 hành khách khởi hành từ Cape Town, Nam Phi. Trong 61 hành khách được xác định dương tính với SARS-CoV-2 trên chuyến bay của hãng KLM tới Amsterdam, có 13 ca nhiễm Omicron. Bồ Đào Nha đã tìm thấy 13 trường hợp mắc biến thể này tại câu lạc bộ bóng đá Lisbon. Scotland và Áo cũng báo cáo trường hợp nhiễm Omicron đầu tiên vào ngày 30/11.

Ngày 30/11, nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết nước này đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron.

Tại châu Âu, nơi tỉ lệ tiêm chủng đạt 67% tổng dân số, Omicron sẽ là một “thuốc thử” hoàn toàn khác. Siêu biến thể này xuất hiện tại thời điểm “cựu” lục địa đang ở giữa một làn sóng lây nhiễm mới, đa phần do biến thể Delta gây ra. Như vậy, sẽ có một cuộc chiến giữa hai biến thể Delta và Omicron.

Đòn giáng mạnh vào nền kinh tế toàn cầu

Sẽ phải mất ít nhất hai tuần để các nhà khoa học đánh giá tương đối chính xác về cấp độ nguy hiểm của siêu biến thể mới. Manh mối đầu tiên sẽ đến từ nơi được cho là điểm khởi phát của Omicron – đó là Nam Phi, cụ thể là tỉnh Gauteng.

Giáo sư Salim Abdool Karim, một chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm ở Nam Phi cho biết, Omicron dường như dễ lây truyền hơn các biến thể trước đó, kể cả với những người có khả năng miễn dịch do tiêm chủng hoặc đã từng nhiễm bệnh. Ông Karim dự đoán, các ca nhiễm mới ở Nam Phi có khả năng tăng cao nhất khoảng 10.000 ca/ngày trong tuần này. Tuy nhiên, ông Karim cũng nói thêm rằng, còn quá sớm để khẳng định liệu các trường hợp mắc bệnh có triệu chứng sẽ nghiêm trọng hơn hay không và cho biết, vaccine ngừa Covid-19 hiện vẫn có hiệu quả trong việc ngăn chặn các ca bệnh nặng do biến thể Omicron gây ra.

Có thể thấy, sự xuất hiện của biến thể Omicron đã khiến thế giới “rung lắc”. Chính phủ nhiều nước ở châu Âu, châu Á, Trung Đông và châu Mỹ ngay lập tức áp quy định hạn chế hoạt động di chuyển bằng đường hàng không đến và đi từ miền Nam châu Phi vì lo lắng biến thể mới này có thể lây lan nhanh chóng ngay cả đối với những người đã được tiêm chủng.

Thông tin về Omicron cũng giáng đòn mạnh vào kỳ vọng thế giới sớm trở lại bình thường, khiến giá dầu, thị trường chứng khoán, trái phiếu toàn cầu rớt mạnh. Các nhà đầu tư hoảng sợ và đã rút khoảng 2 nghìn tỷ USD khỏi thị trường cổ phiếu toàn cầu ngay cuối tuần trước. Tuy nhiên, thị trường tài chính sôi động này đã bình tĩnh hơn vào đầu tuần, ngay cả sau khi Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, cho biết họ sẽ đóng cửa biên giới với người nước ngoài. Cùng với đó, các công ty du lịch ở châu Á cho biết, một số du khách bắt đầu cân nhắc việc hủy hoặc hoãn chuyến đi của họ. Điều này đe dọa sự phục hồi vốn đã rất mong manh của ngành du lịch toàn cầu.

Ngay cả khi Omicron không đến mức nguy hiểm như lo ngại của giới chuyên gia, sự xuất hiện của siêu biến thể này vẫn tạo ra bức tranh u ám, đi kèm đó là thách thức kéo dài. Các hãng hàng không, giới đầu tư, bệnh viện và nhiều quốc gia buộc phải chấp nhận rằng, sẽ luôn phải đối mặt với nguy cơ thường trực về một biến thể mới.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, các thị trường cũng mong đợi các chính phủ và ngân hàng Trung ương trên khắp thế giới sẽ bắt đầu rút hầu bao hàng nghìn tỷ USD nhằm giữ cho các doanh nghiệp và các hộ gia đình tồn tại được trong thời kỳ đại dịch. Một làn sóng dịch bệnh khác có nghĩa là họ sẽ được hỗ trợ nhiều hơn.

Các kho dự trữ và giá dầu đã phục hồi một phần từ đợt bán tháo hôm cuối tuần trước khi thị trường nuôi hy vọng rằng Omicron sẽ tỏ ra nhẹ nhàng hơn so với lo ngại ban đầu.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde đã tìm cách trấn an các nhà đầu tư rằng, khu vực đồng Euro có thể đối phó với sự trỗi dậy của đại dịch. Bà Lagarde nói với đài truyền hình RAI (Italia), cho rằng: “Có một mối lo ngại rõ ràng về sự phục hồi kinh tế vào năm 2022, nhưng tôi tin rằng chúng ta đã học được rất nhiều điều. Giờ đây, chúng ta đã biết kẻ thù của mình và những biện pháp cần thực hiện. Tất cả chúng ta đều được trang bị tốt hơn để ứng phó với nguy cơ của làn sóng thứ năm hoặc biến thể Omicron".

Omicron chứa hàng loạt đột biến như K417N, N501Y, N440K, G446S... Trong đó đột biến K417N từng xuất hiện ở biến thể Delta. Đến nay, Omicron được coi là biến thể tồi tệ nhất trong đại dịch vì lượng đột biến khổng lồ và tính vượt trội của các đột biến đó.

Hà Anh