Gấp rút chặn biến chủng Omicron
Ngày 29/11, Văn phòng Chính phủ có Công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2.
Trước việc biến chủng mới Omicron đang lây lan nhanh ra nhiều nước trên thế giới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ động bám sát diễn biến tình hình, thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này; trên cơ sở đó đề xuất các phương án, biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình dịch.
Cùng đó, các Bộ Ngoại giao, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng và các bộ, cơ quan liên quan chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát người đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron nhập cảnh vào Việt Nam, để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến thể này vào nước ta.
Những ngày qua, dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Theo Bộ Y tế, trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày (tính tới ngày 29/11) là 12.596 ca/ngày. Trung bình số người tử vong ghi nhận cùng thời điểm thống kê là 158. Riêng trong ngày 29/11, cả nước có 13.770 ca mắc mới, 173 ca tử vong. Trong ngày 30/11, Hà Nội có số mắc cao nhất tính từ đầu dịch là 468 ca. Đáng chú ý, số ca lây nhiễm trong cộng đồng rất cao.
Đợt thứ 4 dịch Covid-19 chính thức được ghi nhận ở nước ta là vào ngày 27/4/2021. Biến thể Delta của đợt dịch này có tốc độ lây lan nhanh chóng, nhiều ca bệnh nặng và nhiều người tử vong. Cũng cần nhắc lại, cả 3 đợt dịch trước, Việt Nam chỉ ghi nhận 35 ca tử vong do Covid-19. Còn tới nay (tính tới ngày 29/11), tổng số số người tử vong đã là 25.055.
Trong khi thế giới vẫn đang vất vả chống lại biến chủng Delta thì lại xuất hiện biến chủng mới Omicron. Hơn 10 ngày qua, Omicron đã ghi nhận tại nhiều nước và với đánh giá bước đầu là nguy hiểm. Tháng 12/2020, biến chủng Alpha được ghi nhận đầu tiên tại Anh. Tháng 2/2021, biến chủng Delta được ghi nhận đầu tiên tại Ấn Độ. Và đến tháng 11 này là biến chủng Omicron, ghi nhận đầu tiên tại Nam Phi.
Ngày 26/11 vừa qua, WHO đã triệu tập cuộc họp khẩn về biến chủng mới nhất này. Nhiều lo ngại được nêu lên cùng sự thúc đẩy việc hợp tác nghiên cứu, phối hợp ngăn chặn giữa các quốc gia. Nhiều tập đoàn dược phẩm lớn trên thế giới cũng đã gấp rút bắt tay vào phát triển loại vaccine mới trong trường hợp biến chủng Omicron “né” được các loại vaccine hiện có.
Cho dẫu tác hại của biến chủng mới Omicron chưa được xác định có nguy hiểm hơn biến chủng Delta hay không, nhưng thực tế cho thấy chúng lây lan rất nhanh. Hiện một số quốc gia đã ghi nhận bệnh nhân do biến chủng Omicron gây ra. Và khẩn cấp đưa ra những quy định y tế nghiêm ngặt đối với người đến từ những quốc gia đã xuất hiện biến chủng Omicron.
Trong những đợt chống dịch Covid-19 trước đây, chúng ta đã xác định “chặn dịch từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong”, vì thế đã hạn chế được tác hại của virus SARS- CoV-2. Lần này, rút kinh nghiệm sâu sắc từ đợt bùng phát dịch thứ 4 khi mà biến chủng Delta lây lan mạnh trong cộng đồng, việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu theo sát tình hình, chuẩn bị các phương án đối phó với biến chủng Omicron là rất cần thiết. Chỉ mất cảnh giác một chút thôi khi để chủng virus mới xâm nhập thì cũng có nghĩa là chúng ta cùng lúc phải chiến đấu với 2 chủng virus rất nguy hiểm là Delta và Omicron.
Việc ngăn chặn xâm nhập dịch từ bên ngoài vào trong nước thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế cùng các bộ, ngành hữu quan. Tuy nhiên, với mỗi địa phương, từng đơn vị, từng cá nhân, việc chủ động phòng, chống dịch phải rất được chú trọng. Cùng với việc nhanh chóng bao phủ vaccine cho toàn dân, trong đó có việc đẩy mạnh tiêm chủng cho trẻ em và ưu tiên tiêm vaccine mũi 3 cho những đối tượng nguy cơ cao, thì việc tự mỗi người phải nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) là vô cùng quan trọng. Bảo vệ bản thân cũng chính là bảo vệ cộng đồng, chỉ có như vậy thì “giặc dịch” mới sớm chấm dứt.