Tỉnh táo khi chọn thức ăn nhanh
Tiện lợi, không mất nhiều thời gian, có thể ăn ở bất kỳ đâu là những lý do khiến thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, các loại nước đóng chai đang dần trở thành xu thế của thời đại ngày nay tại nước ta. Tuy nhiên, thức ăn nhanh cũng tiềm ẩn nguy hiểm nếu sử dụng không đúng cách.
Những năm gần đây, thị trường thức ăn nhanh tại Việt Nam phát triển nhanh chóng với hàng loạt các thương hiệu nổi tiếng thế giới. Thức ăn nhanh đường phố không những là một nhu cầu của người dân đô thị, đem lại nhiều thuận tiện cho người tiêu dùng mà còn là nguồn thu nhập của một bộ phận không nhỏ người lao động và là nét văn hóa ở một số địa phương. Theo một số liệu điều tra, nhiều người dân TP HCM sử dụng thức ăn đường phố, trong đó 51% dùng làm bữa ăn hàng ngày, 82% dùng làm bữa ăn sáng.
Ở các thành phố, người dân đôi khi chỉ cần bước ra khỏi cửa đã có thể mua được những đồ ăn nhanh mong muốn. Sự phát triển của kinh tế, xã hội và hệ thống logistics, cùng với với nhịp sống bận rộn hơn đã khiến cho thức ăn nhanh, chế biến sẵn là một trong những lựa chọn thay thế các bữa ăn chính một cách dễ dàng và thuận tiện. Thậm chí, những món ăn truyền thống như chả nem (chả giò), cá kho tộ, bánh bao, thịt ướp sẵn, rau củ… cũng được đóng gói và bán sẵn từ các cửa hàng, siêu thị, rất tiện dụng cho việc nấu ăn. Có thể nói, thức ăn nhanh, đồ uống đóng chai và thực phẩm chế biến, đóng gói sẵn là một xu thế của thời đại ngày nay.
TS.BS Hoàng Đức Ngân, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định: Thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, bên cạnh các ưu điểm về sự tiện lợi, giá cả và khẩu vị kể trên, cũng đang được cho là một trong những nguyên nhân góp phần vào sự gia tăng của thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng.
Nếu ăn các loại thức ăn nhanh/chế biến sẵn hoặc uống nước uống đóng chai thường xuyên sẽ dẫn tới việc dư thừa dầu/mỡ, đường hoặc muối trong cơ thể. Khi ăn các thức ăn nhanh hoặc uống nước uống đóng chai, chúng ta sẽ thấy được no bụng hay giải khát nhanh chóng. Tuy nhiên, hàm lượng đường, nhất là fructose, và muối cao trong thức ăn nhanh hay nước uống đóng chai lại khiến chúng ta thèm ăn, thèm uống nước ngọt nhanh hơn, thậm chí gây nghiện các loại thực phẩm này.
Lấy ví dụ rõ hơn, BS Ngân cho biết: Một cái bánh mỳ kẹp (burger) cỡ lớn có phô mai của McDonald’s cung cấp 810 kcal và có 46 g chất béo (cung cấp khoảng 400kcal). Hoặc 1 cái bánh giò cung cấp khoảng 437 kcal và có khoảng 33,6 g chất béo (cung cấp khoảng 302 kcal). Một người Việt Nam trưởng thành một ngày nên ăn vào khoảng 60-70 g chất béo/ngày. Mỗi suất ăn nhanh đã cung cấp khoảng trên một nửa tổng lượng chất béo cần có trong một ngày của một người trưởng thành. Mặt khác, hàm lượng muối và natri khuyến nghị cho người Việt Nam là dưới 5 g muối, tương đương dưới 2g natri một ngày. Trong khi đó, 1 bát phở bò chín có chứa khoảng 3,75 g muối, trong mỗi 100g thịt lườn gà rán từ các thương hiệu thức ăn nhanh có thể chứa từ 1,6 đến 1,8 g muối, mỗi 100 g bánh pizza chứa 1,4-1,7 g muối. Nếu một người ăn sáng với một bát phở hoặc ăn phụ với 2 miếng lườn gà và sau đó các bữa chính và bữa phụ ăn bình thường thì người đó đã ăn quá nhiều muối so với lượng muối nên ăn trong một ngày.
PGS.TS Bùi Thị Nhung, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng thông tin: Thực phẩm chỉ giữ được các chất dinh dưỡng ở mức tối đa nếu chúng được ăn dưới dạng gần với dạng nguyên thủy của chúng nhất. Bất cứ thực phẩm nào trải qua quá trình chế biến công nghiệp có thể không còn giữ được giá trị dinh dưỡng tự nhiên, hơn thế nữa, chúng còn được thêm vào đường, muối, dầu, mỡ và các hợp chất khác mà có thể chúng ta còn chưa hiểu biết hết được những tác hại có thể xảy ra với sức khỏe. Vì thế, hãy chọn lựa khoa học và tiêu thụ hợp lý những loại thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh hay đồ uống đóng chai để bảo vệ sức khỏe tốt nhất.