An toàn trường học không chỉ là phòng dịch
Ngành Y tế và Giáo dục đang tích cực triển khai tiêm vaccine cho học sinh (HS) các cấp để sẵn sàng cho việc mở cửa trường học ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục cảnh báo, nhiều vấn đề cần được quan tâm giải quyết khi HS đến trường sau thời gian dài học trực tuyến.
Quan tâm việc học, chú ý tâm tình của học sinh
Em Lan Anh (HS lớp 9, Trường THCS Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội) cho biết, sau hơn một tuần được chính thức trở lại trường, em và các bạn trong lớp đều rất vui vì việc học được thuận lợi hơn nhiều.
“Suốt thời gian trước, nhìn máy tính nhiều nên em rất mỏi mắt, phải nhờ mẹ mua thuốc bổ mắt để uống thêm. Một tuần nay được đến lớp, việc học cũng hiệu quả lên trông thấy khi không gặp sự cố đường truyền, không bị tiếng ồn xung quanh chi phối” - Lan Anh nói.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho biết, tuần vừa qua các trường đã tận dụng “thời gian vàng” khi dạy trực tiếp để tiến hành rà soát các kiến thức khi dạy trực tuyến HS nắm được đến đâu, song song với việc học bài mới để kịp tiến độ chương trình. Nhìn chung, những kiến thức khó và những nội dung cần dụng cụ dạy học tại trường như thực hành khi học trực tuyến chưa triển khai thì thời gian này, giáo viên sẽ hướng dẫn bổ sung cho HS.
Việc “hổng đâu bù đó” và bố trí, lên phương án kèm thêm cho những HS yếu, chưa nắm được bài khi học trực tuyến được Phòng chỉ đạo các trường thực hiện triệt để, tránh bắt cả lớp học lại bài đã học mà chia nhóm để bổ sung kiến thức cho phù hợp.
Tuy nhiên, dễ dàng nhận ra có những HS khi học trực tuyến không tập trung, kiến thức nền tảng yếu và thiếu nên khi quay trở lại học trực tiếp sẽ cảm thấy “đuối”, khó theo kịp các bạn, từ đó nảy sinh tâm lý hoang mang, ngại giao tiếp với thầy cô, bạn bè, thậm chí không muốn đến trường.
Một cô giáo tại huyện Ba Vì (Hà Nội) chia sẻ, khi đi học trực tiếp hầu hết HS đều rất vui. Nhưng cô quan sát trong lớp có HS ít nói, ít cười hơn hẳn các bạn. Trao đổi với giáo viên chủ nhiệm năm trước của lớp thì được biết trước đó HS vẫn bình thường. Sau đó tìm hiểu kỹ mới biết bố mẹ HS trước đó đi làm ăn xa, vì dịch bệnh không có việc làm nên đã trở về nhà, kinh tế gia đình đang khó khăn, bố mẹ dễ nóng giận dẫn đến việc HS không được vui vẻ.
Là giáo viên chủ nhiệm, cô đã mời phụ huynh lên trao đổi, thống nhất biện pháp để giảm áp lực cho HS và thường xuyên động viên em chú tâm học hành, chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi chuyển cấp sắp tới.
Phát huy vai trò tham vấn học đường
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) nhìn nhận, những bất ổn về tâm lý, dễ tổn thương, nhất là những HS “nhóm yếu thế”, HS khuyết tật hoặc hướng nội khi thay đổi phương thức học tập là điều rất dễ xảy ra.
Vì vậy, khi trở lại trực tiếp, vai trò tham vấn học đường của cán bộ chuyên trách hoặc giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, những người tiếp xúc trực tiếp với HS là rất quan trọng. Quan sát những cử chỉ, hành vi, biểu hiện và lời nói của các em để đánh giá đúng vấn đề và có sự hỗ trợ cần thiết.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, 2,2 triệu HS ở các trường học thuộc TP thời gian qua đã thích ứng linh hoạt, duy trì tốt việc học trực tuyến và bảo đảm nền nếp học tập. Tuy nhiên, giáo viên và HS cũng gặp không ít khó khăn và áp lực. Trong đó, việc HS ở nhà học trực tuyến dài ngày có thể đối diện với một số nguy cơ như mệt mỏi, ít tương tác, giảm động lực phấn đấu, căng thẳng, lo âu...
Điều này cho thấy vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng, vận hành phòng tham vấn học đường đối với HS, góp phần tháo gỡ khó khăn cho HS, giúp các em học tập tốt và phát triển toàn diện.
Thực tế tại Hà Nội, hầu hết các nhà trường đều đã có phòng hoặc góc tham vấn học đường. Tuy nhiên, hiệu quả công tác vận hành, tổ chức các hoạt động tham vấn còn hạn chế.
Vì vậy, với những thay đổi tâm lý HS khi phải thay đổi môi trường học tập và tác động của dịch Covid-19 càng khiến những bất ổn về mặt tâm lý HS biểu hiện rõ hơn, nhất là với đối tượng HS yếu thế; ngành giáo dục và cụ thể là mỗi nhà trường cần chuẩn bị sẵn sàng để giúp các em hòa nhập tốt hơn khi đi học trở lại. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề xuất cần sát sao để phòng tránh bạo lực học đường, vấn đề an toàn trong bữa ăn bán trú…
Bộ GDĐT cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ ban hành kế hoạch thực hiện công tác xã hội trong trường học giai đoạn 2021-2025, trong đó khẳng định vai trò quan trọng của việc tổ chức các hoạt động tham vấn tâm lý. Đồng thời, tiếp tục tổ chức bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác tham vấn; tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan để hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị trong công tác này...