Chủ động phòng ngừa biến chủng Omicron
Biến chủng mới Omicron đang được WHO cảnh báo có khả năng gây rủi ro cao. Để làm rõ hơn về biến chủng này cũng như các biện pháp ứng phó, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi cùng PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.
PV:Ông có thể cho biết những thông tin về biến chủng Omicron và những nguy cơ mà biến chủng này có thể gây ra?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Omicron được phát hiện lần đầu ở Botswana, một quốc gia nằm ở phía Nam châu Phi và đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa vào danh sách những biến thể đáng quan ngại. Nằm trong cùng danh sách này là những biến thể khác như Alpha, Beta, Gamma và Delta.
Theo như những nghiên cứu mới nhất thì biến chủng này sở dĩ được cho là nguy hiểm vì nó có tới 32 đột biến trên protein gai - gấp đôi đột biến của chủng Delta. Trong khi đó, virus SARS-CoV-2 dùng nhiều loại protein khác nhau để sinh sôi, nhưng protein gai là quan trọng nhất mà nó dùng để bám dính vào tế bào của người để gây bệnh và phá hủy.
Bên cạnh đó, các loại vaccine phòng Covid-19 đang hiện hành cũng có mục tiêu là protein gai bằng cách dựa vào mã di truyền để tạo ra các bản sao của protein gai, giúp cơ thể nhận biết được và biết cách chống lại khi virus xâm nhập.
Do đó, với số lượng đột biến quá nhiều của Omicron tại bộ phận quan trọng này của virus, nhiều dự báo cho rằng biến thể này có thể có khả năng lây lan nhanh hơn nhiều so với biến thể Delta, đồng thời, khả năng Omicron có thể vô hiệu hóa vaccine phòng Covid-19 cũng được đặt ra. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chưa có kết luận rõ ràng về những nguy cơ này cũng như về mức độ nặng cho người bệnh mà nó có thể gây ra.
Mặc dù vậy, nếu số ca mắc tăng nhanh do sự lây lan mạnh của biến chủng mới, thì sẽ dẫn tới số người nhập viện tăng và hệ thống y tế sẽ bị quá tải, từ đó, số người tử vong cũng sẽ tăng cao.
Như vậy, theo ông, Việt Nam cần thực hiện những biện pháp gì để có thể ứng phó kịp thời trước mối nguy cơ mới này?
- Bộ Y tế đã đề nghị Chính phủ xem xét dừng các chuyến bay đến/đi tới một vài nước châu Phi đang có dịch. Theo tôi, đây là cách phòng bệnh kịp thời và hợp lý, nhưng cũng cần lưu ý những trường hợp người đi từ châu Phi qua một nước thứ 2 rồi mới tới Việt Nam.
Đây cũng có thể là nguồn mang virus xâm nhập. Chúng ta cần tăng cường kiểm soát biên giới, cửa khẩu. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường công tác lấy mẫu, điều tra dịch tễ, xét nghiệm và giải trình tự gene để có thể phát hiện biến thể mới kịp thời.
Về phía người dân thì sao? Người dân cần thực hiện những biện pháp gì để phòng ngừa SARS-CoV-2, đặc biệt là Omicron, thưa ông?
- Cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh đã được khuyến cáo như 5K, hạn chế tụ tập đông người và tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 vẫn là những biện pháp tốt nhất để người dân bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình. Tránh tâm lý chủ quan, lơ là trước Covid-19.
Người dân cần phải ý thức rõ, các biện pháp phòng, chống dịch được nới lỏng chứ không có nghĩa là thả lỏng, buông xuôi. Nếu không thực hiện tốt phòng, chống dịch thì dịch bệnh hoàn toàn có thể bùng phát phức tạp, nhất là trong trường hợp Omicron xâm nhập vào nước ta.
Kể cả đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine thì việc nâng cao cảnh giác với dịch bệnh vẫn luôn luôn cần thiết. Càng hạn chế tụ tập đông người càng tốt. Đồng thời, trong trường hợp chủng mới xâm nhập thì việc người dân thực hiện tốt 5K sẽ giúp chúng ta hạn chế được nguy cơ lây lan của dịch bệnh, điều này đã được chứng minh qua những đợt dịch ở nước ta trước đây. Bên cạnh đó, việc tăng cường mức độ bao phủ của vaccine cũng rất quan trọng.
Trân trọng cảm ơn ông!