Vì sao người dân không mặn mà gửi tiết kiệm?
Trước sức hấp dẫn của các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản và vàng... trong khi lãi suất tiết kiệm thấp, huy động vốn của các tổ chức tín dụng đang có dấu hiệu chậm lại.
Đổ tiền sang chứng khoán
Sau vài lần ngồi cà phê với nhóm bạn thân, chị Trần Thị Quỳnh Nhung (Đống Đa, Hà Nội) quyết định rút 150 triệu đồng tiền tiết kiệm để “đánh” chứng khoán.
“Bạn bè tôi toàn bỏ 500-700 triệu đồng, có người bỏ 1 tỷ đồng để đầu tư chứng khoán. Tôi bắt đầu “khởi động” nên thử 150 triệu xem thế nào” - chị Nhung chia sẻ và cho biết, đổ tiền vào chứng khoán nếu sát sao và tìm hiểu kỹ, sẽ có lãi hơn nhiều so với gửi tiết kiệm.
Bây giờ 150 triệu đồng gửi kỳ hạn một năm ở ngân hàng cũng chỉ được 10 triệu đồng, mà bí bách lắm. Chơi chứng khoán, nếu cần tiền lại bán cổ phiếu”.
Không chơi chứng khoán, nhưng cũng quyết định rút tiền gửi tiết kiệm trước ngày đáo hạn, anh Nguyễn Anh Tuấn (Khu đô thị Ecopark, Hưng Yên) đã xuống tay đầu tư 400 triệu đồng vào một mảnh đất ở Lương Sơn, Hòa Bình.
Anh Tuấn chia sẻ, anh cùng chung tiền với 3 người bạn nữa mua một mảnh đất hơn 3 tỷ đồng ở Hòa Bình. Anh có ít vốn nên góp ít, lời lãi về sau như thế nào chia theo tỷ lệ góp.
“Thấy bạn bè ai cũng giàu lên vì đất, có người còn vay nợ để đầu tư bất động sản, trong khi gửi tiết kiệm để lấy lãi thì không biết bao giờ giàu được nên tôi quyết định đầu tư vào đất” - anh Tuấn nói.
Thời gian gần đây, nhiều người dân cho biết, đã mạnh dạn rút tiền gửi ngân hàng để chuyển sang kênh đầu tư chứng khoán, nhà đất.
Số liệu Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, tiền gửi của người dân tại các ngân hàng đã giảm hai tháng liên tiếp (tháng 8 và 9/2021), trong bối cảnh lãi suất huy động duy trì ở mức thấp. Thời điểm cuối tháng 9, số dư tiền gửi tiết kiệm của người dân tại các tổ chức tín dụng đạt mức 5,29 triệu tỷ đồng, tăng 2,92%, thấp hơn con số 3% vào cuối tháng 7.
Đáng lưu ý, tiền gửi tiết kiệm của dân giảm mạnh trong 5 năm gần đây. Nếu năm 2016, tăng trưởng tiền gửi là 17,4%, năm 2017 chỉ là 13,54% và liên tục giảm 4 năm sau đó, chỉ còn 6,46% vào năm 2020.
Riêng trong 2 tháng liên tiếp 8 và 9/2021, tiền gửi của người dân sụt giảm. Cụ thể, trong tháng 8, tiền gửi của người dân đã giảm gần 1.000 tỷ đồng, tháng 9 sụt giảm tới gần 1.500 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn đến diễn biến trên là do mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường thấp. So với trước dịch, lãi suất huy động đã giảm 1,5-2 điểm phần trăm.
Trao đổi tại buổi họp báo Ngân hàng Nhà nước, Phó thống đốc Đào Minh Tú nhận định mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng đã xuống rất thấp. Tăng trưởng tiền gửi thấp hơn tăng trưởng tín dụng cùng giai đoạn.
Có đáng lo ngại?
Bên cạnh việc lãi suất huy động giảm mạnh trong thời gian qua, các kênh đầu tư chứng khoán, vàng, bất động sản… đang tăng trưởng mạnh được xem là những lý do cho sự suy giảm tiền gửi tại các tổ chức tín dụng.
Trong 10 tháng, nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam đã mở mới hơn 1 triệu tài khoản chứng khoán, cao hơn tổng số tài khoản được nhóm này mở trong giai đoạn 2017 - 2020 cộng lại. Riêng tháng 10, hơn 129.500 tài khoản chứng khoán do nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới, tăng gần 13% so với tháng trước.
Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới trong 3 quý của năm 2021 tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020. TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, trong quý III, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam có thực hiện thống kê ở 12 điểm cầu và nhận thấy vẫn có hàng vạn giao dịch, ngay trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn ra ở một số khu vực. Tuy nhu cầu tiêu dùng có giảm nhưng nhu cầu của nhà đầu tư không giảm.
Dưới góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, việc người dân chuyển tiền từ ngân hàng sang chứng khoán, bất động sản... là dấu hiệu đáng lo, tiềm ẩn rủi ro cho cả nhà đầu tư lẫn nền kinh tế.
Ví dụ, với kênh đầu tư bất động sản, việc người dân đổ tiền vào kênh này với kỳ vọng giá lên có điểm tích cực là giúp bất động sản tăng giá, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và ngành bất động sản phục hồi, từ đó kích thích nền kinh tế phát triển.
Về chứng khoán, lượng tài khoản cá nhân đầu tư chứng khoán thời gian qua đã tăng vọt, đây có thể là dấu hiệu cho thấy thị trường chứng khoán đã phát triển. Tuy vậy, theo vị chuyên gia này, không nên khuyến khích nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường chứng khoán. Vấn đề ở đây là phải hướng người dân tham gia đầu tư chứng khoán một cách có tổ chức, bài bản.
Có doanh nghiệp kinh doanh không tốt, nhưng nhiều cá nhân tham gia vào cổ phiếu của doanh nghiệp đó thì sẽ lên giá, sau đó lại xuống giá nhanh chóng, thiếu bền vững.