Điệu ru buồn nơi đỉnh cổng trời

Nguyễn Chung 02/12/2021 11:20

Ở một số huyện vùng cao của tỉnh Thanh Hóa, hủ tục về tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn còn tồn tại dai dẳng. Để giảm thiểu tình trạng trên, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng hẳn một đề án nhằm giải bài toán này. Thế nhưng, trong ít năm gần đây, những cặp vợ chồng “con nít” đang có dấu hiệu tăng trở lại khiến cho cái đói, nghèo, việc thất học cứ đeo bám lấy người dân.

Những giấc mơ không có thật

Tôi dừng xe trên một bãi đất hẹp phía ta luy âm của con đường nối huyện Mường Lát của tỉnh Thanh Hóa với miền xuôi. Trời đã chiều nhưng Vàng Thị Pia - trú tại bản Khằm, xã Trung Lý, huyện Mường Lát vẫn ngồi tư lự bên siêu nước đã sôi cạn quá nửa chờ chồng. Ba đứa con của Pia tha thẩn chơi bên hõm đất phía ta luy dương của QL15C. Chỉ còn hơn một tháng nữa, đứa con thứ 4 của vợ chồng Pia sẽ chào đời. Pia lo lắm.

Mới 20 tuổi đầu nhưng Pia đã kịp có với chồng gần 4 mặt con. Không công ăn việc làm, lại đông con, cuộc sống vốn đã khó khăn sẽ càng khó khăn hơn. Niềm hi vọng duy nhất của người mẹ trẻ này là nguồn hỗ trợ của Nhà nước như vẫn có lâu nay.

Vừa di di cây cời than vào viên đá kê bếp, Pia dè dặt kể với tôi về những điều đã qua và cả những khó khăn mà gia đình em đang phải đối mặt. Đất nước đổi mới, những đứa trẻ vùng cao như Pia cũng được đi học.

Nhìn các thầy cô giáo ngày ngày tận tụy, cần mẫn gieo cái chữ cho bản làng, Pia cũng mơ ước sẽ được học lên nữa, được xuống thành phố để học ở trường dân tộc nội trú. Pia mơ có một ngày được trở thành giáo viên, được đứng bên bảng đen, đem cái chữ dạy lại cho các em Pia - những đứa trẻ quanh năm thiếu cái ăn, cái mặc, nhưng… Vừa bước sang tuổi 15, Giàng A Lềnh - một đứa trai cùng bản, hơn Pia 2 tuổi “bắt” về làm vợ.

Ngày bị “bắt” về làm dâu nhà Lềnh, Pia đã khóc đến lả cả người. Pia đã toan trốn về nhưng ngày hai họ chạm mặt, trong ánh nhìn hỉ hả và hơi rượu nồng nặc của bố, Pia biết mình không còn cơ hội. Những tập quán, hủ tục ấy như sợi mây rừng, cứ thít lấy từng số phận người đàn bà, kéo ghì họ sát với nương rẫy, núi rừng mà không mấy ai thoát ra được. “Ồ, không thay đổi được gì đâu, bao đời rồi mà” - Giọng Pia lơ lớ buông thõng vào trời chiều đang dần tắt nắng.

Ở nhà ông Giàng A Chìa, Phó Trưởng bản Ón, xã Tam Chung cũng có tới 3 người con trai lấy vợ khi đang còn là... thiếu nhi. Con trai thứ 3 của ông - Giàng A Lâu và con dâu Vàng Thị Súa năm nay chỉ mới bước sang tuổi 16 nhưng đã có một con lên 2 tuổi.

Do lập gia đình khi chưa đủ tuổi nên vợ chồng Giàng A Lâu hiện chưa đăng ký kết hôn, em bé cũng chưa được đăng ký khai sinh theo quy định.

Năm nay ông Chìa 40 tuổi, vợ ông là bà Phàn Thị Nhờ 38 tuổi, nhưng đã có tới 4 cháu nội, một cháu ngoại, có cháu đã học lớp 3. Vừa vuốt mái tóc lưa thưa của đứa cháu nội, ông Chìa vừa cười phớ lớ, vui vẻ nói: “Giàng cho cả đấy, chứ không phải cứ muốn là được đâu!”.

Một góc Mường Lát.

Lời buồn...

Theo thống kê của Phòng Dân tộc huyện Mường Lát: Chỉ từ năm 2016 đến 2020, địa phương này có tới 111 cặp tảo hôn. Đặc biệt, chỉ tính riêng 9 tháng năm 2021, số cặp tảo hôn tại đây đã lên tới 69 cặp... Để giải “bài toán” khó này, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020”.

Mục tiêu tổng quát của đề án là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số, nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh...

Sau 5 năm thực hiện đề án, với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Thanh Hóa đã giảm đáng kể, nhận thức của người dân có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là trong cộng đồng người Mông và Khơ Mú.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa thì quá trình thực hiện đề án, do nguồn kinh phí của địa phương rất hạn hẹp nên sau 3 năm, đến năm 2018 mới có kinh phí cho các huyện, dẫn đến nhiều mục tiêu của đề án chưa đạt hiệu quả.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trương Thị Huyên - Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Lát cho biết: Qua rà soát, nạn tảo hôn tập trung ở lứa tuổi 16-17, đồng bào Mông chiếm đa số. Trên thực tế, con số này còn cao hơn nhiều, do những cặp vợ chồng tảo hôn thường giấu, không báo cáo với chính quyền, không tiến hành các thủ tục đăng ký kết hôn và khai sinh cho con cái.

Vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tảo hôn vẫn còn tồn tại trong cộng đồng đồng bào dân tộc ở đây? - Trả lời cho câu hỏi này, bà Huyền cho hay: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế, tập quán còn lạc hậu, vẫn còn quan niệm kết hôn trong họ tộc để giữ tài sản gia đình, không mang của cải sang họ khác. Bên cạnh đó là tâm lý muốn sớm có con, có người nối dõi, có thêm lao động trong gia đình... ”.

Nói về vấn đề này, ông Cầm Bá Tường, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết: Hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống rất nặng nề, khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số.

“Những năm qua, chúng tôi đã phát huy tinh thần trách nhiệm, triển khai đa dạng các hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân, phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên, kết quả cũng chưa được như mong muốn, nhiều mục tiêu cụ thể của đề án chưa đạt...” - ông Tường thở dài nói.

Anh Giàng A Chống, Trưởng bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát cho biết: Từ năm 2016 đến nay, năm nào trong bản cũng có vài đứa trẻ ở độ tuổi thiếu nhi nên vợ, nên chồng. Chúng tôi cũng đã tuyên truyền nhưng không khắc phục được nhiều do hủ tục ăn sâu vào tiềm thức của bà con. Bên cạnh đó nhận thức của bà con còn hạn chế, nhiều đứa trẻ bố mẹ không cho lấy thì tìm đến lá ngón để tự tử...

Nguyễn Chung