Ngỡ ngàng với bộ sưu tập dế cổ 'có một không hai' của chàng trai 8x
Sau gần 20 năm nỗ lực, kiên trì theo đuổi đam mê với đồ cổ, anh Lưu Triệu Tuấn Khanh (38 tuổi, TP HCM) đã sở hữu bộ sưu tập với 300 chiếc điện thoại cổ “có một không hai” khiến dân mạng ngỡ ngàng.
Chúng ta đang sống trong thế kỉ thứ 21 - thời đại văn minh và phát triển mạnh về kỹ thuật, công nghệ, thời kỳ của những chiếc điện thoại thông minh smartphone, ipad... lên ngôi.
Thế nhưng, anh Tuấn Khanh lại chọn cho mình một hướng đi riêng. Anh đi ngược thời đại, trở về với quá khứ để kiếm tìm những chiếc điện thoại cổ, làm đầy bộ sưu tập “có một không hai” của mình.
Nhớ lại quãng thời gian bén duyên với những chiếc “cục gạch” bỏ đi, anh Khanh kể, ngày bé trong một lần đi chơi với bạn, thấy bạn dùng điện thoại Nokia 8850, anh mượn rồi loay hoay gỡ ra gỡ vào thì phát hiện bản thân đã “phải lòng” những chiếc điện thoại cổ từ khi nào không hay.
Về sau vào những năm 2001, anh được mẹ mua cho chiếc điện thoại Nokia 3310. Lúc đấy anh “say mê” những chiếc điện thoại cổ nên mày mò học sửa chữa. Từ đó đến nay anh quyết tâm theo đuổi đam mê sưu tầm những chiếc điện thoại cổ.
Chính vì yêu thích điện thoại, sau khi học xong phổ thông, anh quyết định mở cửa hàng kinh doanh và sửa chữa.
Càng làm, anh càng đam mê với công việc hiện tại, anh phát hiện ra bản thân có thể phục chế những chiếc điện thoại cổ nếu như chúng "giở chứng".
Anh Khanh chia sẻ, những chiếc điện thoại cổ từ nhiều năm là ao ước một thời của bao người, ngày đấy có nằm mơ anh cũng chưa từng nghĩ mình có thể mua được.
Để có vốn nuôi đam mê, thời gian đầu, anh Khanh chuyển hướng làm bảo hành điện thoại cho một cửa hàng, quãng thời gian làm việc tại đây, anh được tiếp xúc với nhiều kiểu dáng máy, mỗi một máy lại gắn với anh những kỷ niệm riêng thủa mới chập chững bước vào nghề.
Chính vì vậy, sau này cứ hễ nhìn thấy máy nào đã từng sửa qua, anh cố gắng gom lại để vừa làm đầy bộ sưu tập cho mình vừa lưu giữ làm kỷ niệm.
Anh Khanh cho hay, những chiếc điện thoại cổ mắc lỗi và thường hỏng hóc rất nhiều, từ các lỗi nhỏ như hư phím, chuông loa không hoạt động, cho đến các lỗi lớn như: hỏng micco, màn hình không sáng...
Là một người sưu tầm điện thoại cổ lâu năm, anh Khanh không ngừng học hỏi, tìm tòi thêm về cách vận hành, cấu tạo của những chiếc điện thoại cổ để có thể “hồi sinh” chúng.
“Phải am hiểu cả phần cứng và phần mềm của điện thoại thì khi phục chế mới không gặp trở ngại. Người thợ muốn xử lý nhanh những dòng máy cổ đòi hỏi phải am hiểu về nguyên lý hoạt động của máy”, anh Khanh giãi bày.
Anh Khanh cho biết: “Máy cũ thì có rất nhiều “bệnh vặt” cần sửa chữa thế là tôi bắt đầu tìm hiểu nguyên lý hoạt động để vừa có thể “hồi sinh” những chiếc điện thoại cổ vừa để thoả đam mê”.
Do đặc thù nghề nghiệp, anh Khanh cũng cất giữ rất nhiều mẫu điện thoại có giá trị sưu tầm cao, một vài trong số đó còn đầy đủ hộp và phụ kiện. Theo anh Khanh, một chiếc điện thoại đạt tiêu chuẩn về đồ cổ phải là những chiếc còn “zin”, nghĩa là cả con ốc của điện thoại cũng chưa đụng vào, nước sơn vẫn còn mới.
“Có như vậy, giá trị sưu tầm của điện thoại mới cao, dù hình thức có thể không mới”, anh Khanh nhấn mạnh.
Anh Khanh thông tin, anh thường sưu tầm các máy xách tay từ nước ngoài về thay vì sưu tầm các hãng máy của Việt Nam. Bởi, đối với dòng máy nhập khẩu chưa unlock (mở khóa) sẽ có vỏ đi kèm với logo nhà mạng, khi bật lên logo này sẽ xuất hiện.
Chính vì vậy, anh thường chú trọng khâu kiểm định chất lượng đối với mỗi dòng điện thoại. Nhờ đó, những chiếc điện thoại nằm trong bộ sưu tập của anh đều hoạt động bình thường gần như là còn như mới, tất cả đều có nguồn và đầy đủ chức năng.
Bên cạnh các mẫu từ Nokia cổ trắng đen như: 1610, 2110, 3110, 8110... cho đến Nokia đời sau này như: 3210, 3310, 8210, 8250, 8310… Anh Khanh còn sở hữu rất nhiều dòng điện thoại cổ khác phải kể đến các mẫu gồm: Samsung Siemens, Ericsson Motorola, dòng 9 series… và đặc biệt là dòng N series như: N70, N72, N73 N75, N71, N91, N90, N93, N92...
Sau 22 năm nỗ lực, kiên trì theo đuổi đam mê với đồ cổ, anh Khanh đã làm đầy bộ sưu tập điện thoại cổ của mình với khoảng 300 chiếc, những chiếc điện thoại không chỉ có giá trị về mặt vật chất mà còn mang những kỷ niệm gắn liền với biến động trong cuộc đời của anh Khanh.
Anh Khanh dành tình cảm đặc biết cho những chiếc “cục gạch” của mình, anh ưu ái dành vị trí đẹp mắt, thu hút nhất ở cửa hàng để trưng bày bộ sưu tập điện thoại cổ.
Anh Khanh nhắn nhủ: “Đối với những người mới chơi thì nên tìm hiểu thật kỹ về nguồn gốc máy trước khi mua tránh tình trạng mua phải hàng dựng. Còn nếu đã đam mê thì cứ thỏa sức chơi hết mình”.