Giải pháp tốt cho thị trường

Quang Ngọc 03/12/2021 07:57

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 103/2021/NĐ-CP về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đó, từ 1/12 đến hết tháng 5 năm sau, ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước được giảm 50% lệ phí trước bạ lần đầu. Từ 1/6/2022, mức thu lệ phí trước bạ trở về mức cũ.

Đáng chú ý, đây là lần thứ hai trong 2 năm qua, lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm một nửa. Điều này được cho là phù hợp trước những khó khăn, tác động của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Giảm phí trước bạ không giúp giảm giá xe nhưng sẽ giảm các chi phí để xe lăn bánh. Năm 2020, khi áp dụng chính sách giảm 50% vào nửa cuối năm, số thu lệ phí trước bạ theo chính sách giảm 7.314 tỷ đồng nhưng tổng số thu ngân sách nhà nước tăng 14.110 tỷ đồng. Cũng xin nêu thêm một con số để cùng nhìn nhận vấn đề: Đó là việc 6 tháng đầu năm 2020 (khi chưa giảm 50% phí trước bạ), lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu là hơn 102.900 xe, bình quân gần 17.600 xe một tháng. Nửa cuối năm ngoái, số xe đăng ký gấp đôi.

Như vậy, giảm phí trước bạ còn kích thích sức mua trong nước, là một trong những nguồn động lực giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh ô tô trong nước phát triển mạnh hơn.

Tuy nhiên cũng cần biết rằng, riêng đối với xe con, được tính theo tỷ lệ phần trăm từng loại xe và từng địa phương khi đăng ký (lần đầu). Chẳng hạn, mức phí trước bạ lần đầu với ô tô con tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng... là 12% giá trị xe; TP HCM 10%, Hà Tĩnh 11%... Riêng xe bán tải, phí trước bạ bằng 60% mức thu phí lần đầu với xe con. Điều này cho thấy rất cần sự thống nhất chung trong toàn quốc.

Lâu nay, công nghiệp ô tô được coi là giấc mơ của người Việt Nam. Không ít cơ sở ra đời nhưng không phải nơi nào cũng thành công. Vì rằng đây là ngành công nghiệp đòi hỏi của nhiều yếu tố hợp thành, mặt khác công nghiệp ô tô thế giới đã bước những bước rất xa với nhiều thương hiệu thống lĩnh, dẫn dắt thị trường toàn cầu. Các “đời” xe của một thương hiệu cũng được làm mới nhanh chóng, với nhiều phân khúc hướng tới sự đa dạng của nhiều đối tượng khác nhau.

Xe liên kết lắp ráp, hoặc sản xuất trong nước muốn có được chỗ đứng ngay trên sân nhà buộc phải chấp nhận cuộc cạnh tranh rất ghê gớm, về giá, chất lượng, mẫu mã, độ an toàn... và còn phải có thời gian để thuyết phục khách hàng trong nước tin tưởng vào ô tô nội địa. Thêm nữa, nhiều chi tiết của một chiếc ô tô chúng ta chưa làm được, phải nhập ngoại, cũng là một lý do khiến giá thành khó kéo xuống.

Tuy nhiên, không thể phụ thuộc mãi vào nhà cung cấp đến từ nước ngoài, chúng ta phải xây dựng bằng được ngành công nghiệp ô tô của chính mình. Vì thế, nhiều năm qua, một số nhà đầu tư đã mạnh dạn đi tiên phong trong lĩnh vực này. Tới nay, chúng ta cũng đã có được một số thành tựu nhưng phía trước vẫn là chặng đường rất dài, đặc biệt là khi thế giới đã dần chuyển sang xe điện thay vì xe sử dụng nhiên liệu truyền thống, nhằm giảm tác hại đến môi trường.

Đã không cùng một vạch xuất phát thì muốn cán đích đương nhiên phải hết sức nỗ lực, phải tìm đường lối đi của riêng mình và lối đi đó phải hiệu quả. Đó chính là bài toán khó đối với công nghiệp ôtô Việt Nam.

Trong những cái khó thì khó về giá luôn là thách thức. Thực tế thì nếu giá ô tô sản xuất trong nước tương đương hoặc chỉ thấp hơn chút ít thì người tiêu dùng sẽ chọn xe nhập khẩu. Đó không chỉ là tâm lý sính ngoại mà còn là sự lựa chọn tất nhiên của cơ chế kinh tế thị trường, nhất là khi Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thì hàng hóa bên ngoài xâm nhập thị trường trong nước ngày một nhiều, với những chính sách thuế quan ưu đãi.

Trở lại với việc Chính phủ giảm mức thu thuế trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, nhiều ý kiến cho rằng đó không chỉ là giải pháp tình thế hỗ trợ doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn bởi dịch Covid-19, mà bền hơn chính là để ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam có thêm điều kiện phát triển, cạnh tranh và đó cũng chính là một giải pháp thị trường tốt: Kích cầu.

Quang Ngọc