Nâng giá trị sản phẩm địa phương qua chương trình OCOP
Sau một thời gian triển khai, hiện tỉnh Hải Dương đang có 72 sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), trong đó có 36 sản phẩm 3 sao và 36 sản phẩm 4 sao. Các sản phẩm OCOP không chỉ giúp phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân….
Đời sống khá lên nhờ OCOP
Ông Đào Hữu Thuân ở xã Cẩm Đông, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) bắt đầu xây dựng mô hình nuôi gà đẻ trứng gần 10 năm trở lại đây.
Nếu như giai đoạn trước, hoạt động sản xuất của gia đình ông gặp nhiều bấp bênh do gặp khó trong việc tìm nguồn ra sản phẩm. Đến nay, sau khi đăng ký sản phẩm tham gia vào chương trình OCOP, việc tiêu thụ trứng gà đã ổn định và thuận lợi hơn. Đặc biệt là việc kết hợp bằng hình thức kinh doanh trực tiếp và trực tuyến thông qua một số sàn giao dịch thương mại điện tử, thị trường tiêu thụ sản phẩm của ông Thuân đã được mở rộng ra thị trường cả nước.
Hiện nay, ông Thuân đã đăng ký sản phẩm trứng gà của mình tham gia chương trình OCOP và được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao. Trung bình mỗi ngày, trang trại của ông Thuân cung cấp ra thị trường khoảng 40.000 quả trứng gà. Với giá bán trên thị trường khoảng 2.400-2.500 đồng/quả, tăng hơn so với thời điểm chưa được công nhận là sản phẩm OCOP.
Làng nghề bánh đa Hội Yên ở huyện Thanh Miện đã có từ lâu nhưng chưa thật sự được quan tâm xây dựng thương hiệu nên giá trị sản phẩm chưa cao. Từ khi tham gia vào sân chơi mới OCOP, sản phẩm bánh đa Hội Yên đã có cơ hội nâng cao vị thế theo hướng phát triển bền vững.
Mới đi vào hoạt động được 2 năm nay nhưng sản phẩm “Bánh đa Q5” của chị Đỗ Thị Lánh ở thôn Hội Yên, xã Chi Lăng Nam đã khẳng định được vị trí của mình trên thị trường và trở thành cơ sở sản xuất bánh đa lớn nhất, sản phẩm OCOP duy nhất của huyện Thanh Miện.
Mỗi ngày, cơ sở này sản xuất gần 4 tấn bánh đa. Các sản phẩm được đóng gói cẩn thận với đầy đủ tem mác, tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng ở khắp các vùng, miền. Trong đó, một số sản phẩm chất lượng cao đã có mặt ở hệ thống siêu thị lớn trong cả nước. Hiện, cơ sở sản xuất của chị Lánh đang tạo việc làm ổn định cho 30 lao động địa phương với thu nhập trung bình từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Có thể thấy, việc thực hiện chương trình OCOP đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo sức bật phát triển kinh tế trên phạm vi toàn tỉnh Hải Dương. Nếu chỉ dừng lại ở việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thô thì nông sản của chúng ta sẽ bị lép vế. Nhưng nếu tạo ra các sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng thì sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm. Khi tham gia vào chương trình này, các hộ dân, cơ sở sản xuất mong muốn sẽ tạo ra những sản phẩm sạch, thân thiện môi trường và nâng cao giá trị nông sản địa phương. Nhờ đó, các sản phẩm sẽ có tính ưu việt, thân thiện với môi trường và phù hợp xu hướng tiêu dùng hiện đại. OCOP sẽ là cơ sở pháp lý, điều kiện cần thiết để từng bước mở rộng thương hiệu trong nước và phát triển ra thị trường quốc tế.
Nâng cao giá trị sản phẩm địa phương
Năm 2021, tỉnh Hải Dương phấn đấu xây dựng ít nhất 1 sản phẩm OCOP đạt 5 sao, 20 sản phẩm đạt 4 sao và 30 sản phẩm đạt 3 sao. Để đạt mục tiêu này, UBND tỉnh Hải Dương đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể thực hiện tốt nội dung, hoạt động của chương trình; phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng sản phẩm OCOP; tập trung hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương và phát triển các sản phẩm đăng ký mới.
Bên cạnh đó, tỉnh Hải Dương cũng xây dựng và triển khai chính sách khoa học, công nghệ đối với các sản phẩm OCOP theo hướng nghiên cứu ứng dụng, triển khai; xây dựng tiêu chuẩn hóa sản phẩm; ưu tiên phát triển, đăng ký xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các sản phẩm OCOP; ứng dụng khoa học quản lý trong xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP...
Theo Chi cục Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện 72 sản phẩm OCOP, trong đó có 36 sản phẩm 3 sao và 36 sản phẩm 4 sao. Tỉnh cũng đề nghị Trung ương xếp hạng sản phẩm 5 sao cho bánh đậu xanh Rồng vàng Hoàng Gia và vải tươi Queen Thanh Ha Lychee. Các sản phẩm OCOP của tỉnh đều là sản phẩm tiêu biểu của địa phương và mang tính vùng miền. Do đó, OCOP không chỉ giúp phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết, OCOP đang tiếp tục góp phần tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn của địa phương. Nhờ vậy, giá trị sản phẩm không ngừng gia tăng, thu nhập của các hộ kinh doanh, HTX và doanh nghiệp được nâng cao, tạo sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Từ các sản phẩm OCOP ban đầu, nhiều chủ thể đã sáng tạo phát triển các sản phẩm mới, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.