Đẩy mạnh sản xuất, bao tiêu lúa gạo theo chuỗi giá trị
Thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng lớn liên kết sản xuất bao tiêu lúa gạo ở Bạc Liêu đã mang lại kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt đã giúp thay đổi nhận thức của người dân về lợi ích của liên kết sản xuất, góp phần nâng cao giá trị, lợi nhuận trên cùng đơn vị canh tác.
Huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu là địa phương thực hiện rất tốt mối liên kết giữa nông dân - tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp. Cùng với việc quy hoạch lại cánh đồng, tổ chức lại sản xuất có sự kết nối của “4 nhà”, Hòa Bình còn ưu tiên nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng hệ thống đê bao khép kín...
Ông Lý Văn Tương ở ấp An Thành, Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình cho biết, khi tham gia chuỗi liên kết, nông dân tránh được thiệt hại, không bị tư thương ép giá nhờ đó lợi nhuận thu về tăng lên đáng kể so với trước.
Được thành lập và đi vào hoạt động gần 6 năm nay, HTX dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Cường, huyện Hòa Bình đã tổ chức liên kết tiêu thụ lúa với nhiều tập đoàn và công ty lớn với quy mô lên đến hàng ngàn ha. HTX dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Cường là một trong những đơn vị tiêu biểu được tỉnh chọn làm đơn vị thí điểm thực hiện đề án hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới vùng ĐBSCL trong giai đoạn 2016-2020, gắn với việc liên doanh, liên kết, tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, số xã viên của HTX này đã lên đến hơn 500 xã viên, bao tiêu thu mua lúa trên cánh đồng lớn với diện tích hơn 7.000 ha.
Theo ông Mã Thanh Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình, việc thực hiện liên kết sản xuất chủ yếu trên sản phẩm lúa gạo thông qua các hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra giữa nông dân với doanh nghiệp và HTX với doanh nghiệp, từng bước tạo được chuỗi giá trị lúa gạo toàn huyện. Ngày càng có nhiều công ty, doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia vào quá trình liên kết sản xuất với quy mô, sản lượng hàng hóa lớn…
Khi tham gia vào mô hình liên kết, nông dân là thành viên HTX được các HTX giảm 10% giá vật tư đầu vào, nông dân không là thành viên được giảm 2% và được thanh toán sau khi thu hoạch. Nông dân sản xuất theo quy trình, đặt đơn hàng của HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp. Các đơn vị này đầu tư vật tư nông nghiệp đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) cho nông dân đến cuối vụ, đảm bảo chất lượng và bao tiêu sản phẩm lúa cho nông dân, thu mua lúa với giá cao hơn thị trường từ 50- 150 đồng/kg. Lúa của người dân được các HTX thu mua đúng theo hợp đồng, không để xảy ra tình trạng lúa bị tồn đọng và lợi nhuận của người dân khi tham gia vào chuỗi sản xuất cao hơn bên ngoài.
Được biết, từ năm 2012 đến nay, diện tích sản xuất, sản lượng lúa gạo tỉnh Bạc Liêu năm sau tăng cao hơn năm trước, bình quân mỗi năm tăng 0,69%, tương đương 1.255 ha/năm, đồng thời tạo sức bật mới trong sản xuất. Riêng đối với việc liên kết sản xuất, bao tiêu lúa gạo theo chuỗi giá trị, trong năm 2020 có hơn 76.000 ha thực hiện theo mô hình này. Chỉ tính riêng 11 tháng đầu năm 2021 trên 59.100 ha thực hiện theo mô hình liên kết, tiêu thụ lúa gạo.
Đến nay, Bạc Liêu đã xây dựng 68 cánh đồng lớn với diện tích trên 25.900ha. Việc xây dựng cánh đồng lớn tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, thực hiện bao tiêu sản phẩm, mở ra cơ hội cho người nông dân thành lập các mô hình hợp tác, hợp tác xã và phát triển về hạ tầng.