Italy: Phát hiện hóa thạch của một đàn khủng long
Đây là lần đầu tiên một “kho tàng" hóa thạch đàn khủng long gồm 11 con được phát hiện ở Italy, trong đó có bộ xương khủng long lớn nhất và hoàn chỉnh nhất từng được tìm thấy ở quốc gia này.
Mặc dù dấu tích khủng long đã từng được khám phá ở Italy từ những năm 1990, các nhà cổ sinh vật học hiện đã xác định được cả một bầy đàn ở Villaggio del Pescatore, một mỏ đá vôi cũ gần thành phố cảng Trieste ở phía Đông Bắc. Loạt bộ xương được hóa thạch trên thuộc về chủng loài Tethyshadros insularis, sinh sống trên Trái đất 80 triệu năm về trước và có chiều dài cơ thể lên tới 5 mét.
Federico Fanti, giáo sư của Đại học Bologna kiêm trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Những khám phá liên quan đến dấu tích của khủng long thực sự không phổ biến ở Italy và mặc dù trước đây chúng tôi đã “ăn may" được số ít hoá thạch về chúng, nhưng bây giờ cả một bầy đàn từ đầu xuất hiện ngay trước mắt”.
Mỏ Villaggio del Pescatore lần đầu tiên được biết đến với tên gọi “nấm mồ" của loài khủng long tại Italy vào năm 1996, sau khi các nhà cổ sinh vật học khám phá ra một bộ xương khủng long được đặt tên là Antonio, tin rằng đó là một "loài khủng long lùn".
Tuy nhiên, phát hiện mới nhất đã thay đổi nhận định trên, khi Antonio giờ đây được cho là một con khủng long non thuộc cùng đàn 11 cá thể vừa được tìm thấy. Phần hoá thạch còn lại của đàn khủng long này được đặt tên là Bruno.
Dấu tích về hóa thạch của cá, cá sấu, bò sát bay hay thậm chí cả loại tôm nhỏ cũng được tìm thấy tại khu vực này, nơi cách đây 80 triệu năm đã hình thành một phần của kỷ nguyên Địa Trung Hải cổ đại.
Fanti nói thêm: “Điều này thật tuyệt vì chúng ta có thể tìm ra loại môi trường mà khủng long đã từng tồn tại và tuyệt chủng. Xuyên suốt khoảng thời gian đó, khu vực này nằm rất gần bờ biển với môi trường nhiệt đới ấm áp và ẩm ướt, thuận lợi trong việc kiếm ăn đối với khủng long."
Một số hóa thạch cho đến nay được tìm thấy tại Villaggio del Pescatore, khu bảo tồn mới ở địa phương, đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Dân sự ở Trieste, và các chuyên gia hy vọng, phát hiện này sẽ là cơ hội “vàng" để đưa bộ hình khảo cổ học và cổ sinh vật học tiếp cận đến công chúng.
Vào tháng Giêng, dấu chân được cho là của một loài bò sát thời tiền sử mang hình dạng giống cá sấu đã được tìm thấy ở dãy núi Alps của Italy.