Sôi động thị trường mua bán và sáp nhập

QUỐC ĐỊNH - ĐẠI DƯƠNG 04/12/2021 13:25

Những thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) diễn ra ngày một sôi động trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm đang nhen lên những tín hiệu vui cho ngành hàng này. Giới chuyên gia nhận định, chiến thuật M&A của các doanh nghiệp trong ngành nông sản thực phẩm sẽ góp phần nâng cao chất lượng của các nông trại, tạo ra sự đột phá, đồng thời mang đến nhiều mặt hàng thực phẩm sạch từ nông trại đến bàn ăn của người tiêu dùng.         

Mặc dù có nhiều lợi thế về nông nghiệp nhưng nhìn chung sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế còn yếu và nhiều rủi ro. Trước thực trạng đó, nhiều doanh nghiệp (DN), tập đoàn tham gia vào hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A), đặc biệt sôi động nhất là sự lên ngôi của mô hình 3F (Feed, Farm, Food) - chuỗi cung ứng thực phẩm khép kín “từ nông trại đến bàn ăn”.

Những thông tin mới ghi nhận về thương hiệu cà phê take away (mang đi) PhinDeli - vốn hoạt động khá chật vật trước đây, hiện gần như “lột xác” sau thương vụ mua lại mới đây của Nova Consumer Group (NCG) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp - hàng tiêu dùng. Thương hiệu cà phê này đã có mặt ở 28.000 điểm bán (là các cửa hàng, tạp hoá, siêu thị và cửa hàng tiện lợi) và đang mở rộng chuỗi cà phê ở những vị trí đắc địa tại TP HCM. Thông qua thương vụ M&A nêu trên, người ta càng biết thêm về mô hình 3F của NCG.

Nhất là cùng với việc thực hiện M&A, phía DN đã chuẩn bị vùng nguyên liệu cà phê sạch tại nông trại ở Lâm Đồng với quy trình sản xuất hiện đại để thành phẩm an toàn nhất nhằm đưa ra thị trường tiêu dùng cà phê. Hoặc trong tháng 11/2021, De Heus Việt Nam (Hà Lan) chính thức thông báo việc sẽ mua lại toàn bộ mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi MNS Feed của Tập đoàn Masan.

Ngoài ra, trong thỏa thuận chiến lược, De Heus sẽ cung ứng thức ăn chăn nuôi và heo thịt dài hạn cho Masan. Với cú bắt tay hợp tác này, De Heus và Masan có thể tối ưu hóa và thúc đẩy năng suất của chuỗi giá trị đạm động vật “từ trang trại đến bàn ăn” theo mô hình 3F tại Việt Nam trên cơ sở phát huy thế mạnh và kinh nghiệm của mỗi bên. Hoặc như hồi tháng 10/2021, Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam đã chi 487 tỷ đồng, mua lần lượt 4,35 triệu và 5,4 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC), trở thành cổ đông nắm 16,56% cổ phần tại DN này - đơn vị thành viên CTCP Tập đoàn PAN (The PAN Group).

Được biết, C.P Việt Nam là một công ty phát triển theo chuỗi giá trị 3F (vốn được hình tượng hóa thành “từ nông trại đến bàn ăn”), vừa sản xuất thức ăn chăn nuôi, vừa trực tiếp nuôi (lợn, gà, thủy sản…) vừa kinh doanh thịt, trứng, chế biến thủy sản cùng các thực phẩm chế biến như xúc xích. Về phía FMC, cần ghi nhận DN này đã rất khởi sắc sau giai đoạn The PAN Group trở thành cổ đông chi phối cách đây 4 năm sau khi mua phần vốn từ Công ty Hùng Vương (HVG).

Các thương vụ M&A được PAN Group thực hiện đều hướng đến mục tiêu tạo ra một hệ thống nền tảng trong lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm, để từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị khép từ sản phẩm đầu vào đến đầu ra theo mô hình 3F.

Những thương vụ M&A nêu trên như một tín hiệu vui trong ngành hàng nông sản và thực phẩm nói chung và mô hình từ nông trại đến bàn ăn nói riêng. Nhất là với ngành hàng nông sản và thực phẩm được đánh giá là rất màu mỡ nhưng cũng gặp phải sự cạnh tranh rất khốc liệt giữa các DN lớn trong ngành. Đó là lý do mà hoạt động M&A trong lĩnh vực này trở nên sôi động bất chấp những thách thức từ đại dịch Covid-19. Hơn thế nữa, thông qua M&A với sự “lên ngôi” của mô hình “từ nông trại đến bàn ăn”, việc “lột xác” các thương hiệu cũng là điều rất đáng quan tâm.

Đặc biệt là hình thành và phát triển được hệ thống các DN chế biến, tiêu thụ nông sản và cung ứng nguồn lực đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, áp dụng công nghệ cao, đóng vai trò “nhạc trưởng”, lãnh đạo toàn chuỗi giá trị của từng mặt hàng nông sản thực phẩm, biến các nông trại trở thành các khâu quan trọng trong chuỗi giá trị.

Đơn cử như sau khi thực hiện thương vụ M&A “triệu đô” trong tháng 11/2021 với CTCP Thương mại - Dược - Sâm Ngọc Linh Quảng Nam (Quasapharco) - công ty Sâm Ngọc Linh lớn nhất Việt Nam, trở thành chủ sở hữu vùng dược liệu quý tại núi Ngọc Linh, huyện Trà My (Quảng Nam), phía CTCP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood tiếp tục tạo cú hích mới khi áp dụng thảo dược vào công nghệ chăm sóc, chăn nuôi bò sữa tại Trang trại bò sữa NutiMilk ở Gia Lai - nơi tiên phong cung cấp nguồn sữa tươi chất lượng vượt trội 3.5g đạm, 4.0g béo trên 100ml tại Việt Nam.

Theo đó, 3.300 con bò sữa mới nhập khẩu từ Mỹ về trang trại này sẽ được áp dụng chế độ chăm sóc, cho ăn thảo dược để nhanh chóng khỏe mạnh và thích nghi tốt với môi trường sống ở trang trại. Ông Đoàn Trung Kiên - Phó Giám đốc Trang trại Bò sữa NutiMilk cho biết: “Việc áp dụng thảo dược tự nhiên sẽ giúp cho đàn bò sữa nhập khẩu tăng cường sức khỏe, sức đề kháng, hạn chế việc bị bệnh và phải dùng đến thuốc. NutiMilk tự tin mở ra xu hướng chăm sóc gia súc mới xanh, sạch, an toàn, tự nhiên”.

Chuyên gia kinh tế Trần Bảo Minh cho rằng, chiến thuật M&A của các DN trong ngành nông sản và thực phẩm đã, đang và sẽ góp phần cho chất lượng của các nông trại được nâng lên, tạo ra sự đột phá, đồng thời mang đến nhiều mặt hàng thực phẩm sạch từ nông trại cho đến bàn ăn của người tiêu dùng. Và việc các DN hàng đầu được ví như “sếu đầu đàn” thúc đẩy các M&A không chỉ tạo động lực tăng trưởng mới cho chính họ, mà còn được kỳ vọng sẽ mang lại sự “lột xác” mạnh mẽ cho ngành hàng nông sản và thực phẩm Việt Nam trong thời gian tới.

QUỐC ĐỊNH - ĐẠI DƯƠNG