Xuất khẩu nông lâm thủy sản phục hồi
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, xuất khẩu nông lâm thủy sản trong tháng 11/2021 ước đem về 4,2 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành hàng 11 tháng lên 43,48 tỷ USD. Kết quả này cho thấy, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đang hồi phục mạnh mẽ sau những tháng giãn cách xã hội, tăng 8,9% so với tháng 11/2020 và tăng 5,8% so với tháng 10/2021.
Nhiều mặt hàng tăng trưởng mạnh
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 11/2021 ước đạt khoảng 4,2 tỷ USD, tăng 8,9% so với tháng 11/2020 và tăng 5,8% so với tháng 10/2021. Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 43,5 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 19,3 tỷ USD, tăng 13,7%; lâm sản chính đạt khoảng 14,3 tỷ USD, tăng 20,9%; thủy sản đạt trên 7,9 tỷ USD, tăng 3,5%; chăn nuôi ước đạt 393 triệu USD, tăng 4,0%; nhóm đầu vào sản xuất trên 1,5 tỷ USD, tăng 25,9%. Các sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm: Cà phê, cao su, gạo, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi…
Trong đó, cao su, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Cụ thể, cao su tăng 11,7% về khối lượng, tăng 40,5% giá trị; gạo tăng 0,8% khối lượng và 7,3% giá trị; hạt điều tăng 14,3% khối lượng, tăng 4,6% giá trị…
Về thị trường xuất khẩu, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 11 tháng của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 43,1% thị phần; châu Mỹ chiếm 29,6%; châu Âu chiếm 11,5%; châu Phi chiếm 1,9%; châu Đại Dương chiếm 1,6% thị phần. Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ đạt trên 11,9 tỷ USD (chiếm 27,5% thị phần), trong đó kim ngạch nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 67,2% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang thị trường này…
Khơi thông thị trường xuất khẩu
Đề cập về công tác xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT cho hay, sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của 2 Tổ công tác (phía Nam và phía Bắc) để chỉ đạo, hướng dẫn các Sở NN&PTNT, phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã,… khẩn trương triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong lưu thông, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Thường xuyên tổ chức/phối hợp tổ chức và tham gia các diễn đàn, hội nghị trực tuyến kết nối cung cầu, xúc tiến tiêu thụ nông sản, phát triển ngành hàng.
Đối với xúc tiến thương mại trên thị trường thế giới, sẽ tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước Peru, úc, Brazil, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Séc… “Tới đây, Bộ sẽ xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ và tiếp tục giới thiệu doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc…” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết.
Cũng theo ông Tiến, thời gian tới sẽ xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Thỏa thuận hợp tác với Hoa Kỳ về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp; dự thảo thư phản đối gửi DOC, USTR và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ về việc điều tra áp thuế giống bán phá giá mật ong; tham gia đàm phán trợ cấp thủy sản trong khuôn khổ WTO.
Bên cạnh những giải pháp trên theo Bộ NN&PTNT, điểm nghẽn lớn nhất của Việt Nam là nông dân còn tư duy mùa vụ, doanh nghiệp thì tư duy thương vụ, chính quyền thì tư duy nhiệm kỳ, mọi thứ đều ngắn hạn. Vì vậy, cần có sự hiểu biết tổng quan hơn, dài hơi hơn để mở rộng xuất khẩu mặt hàng nông lâm thủy sản. Theo đó, doanh nghiệp, nông dân phải thay đổi nhận thức, chủ động nắm bắt thông tin để đáp ứng được những yêu cầu mới từ thị trường đặt ra trong thời gian tới. Doanh nghiệp cần trở thành đầu tàu trong nắm bắt, tiếp cận sự thay đổi về nhu cầu của thị trường với mục tiêu cao hơn là nâng cao giá trị nông sản Việt; xuất khẩu nông sản không chỉ dừng lại ở cửa khẩu mà phải phân phối hàng sâu vào nội địa thị trường có mặt hàng xuất khẩu.
Nhìn tổng quan về xuất khẩu của 11 tháng, kim ngạch nhóm nông sản chính ước đạt trên 19,3 tỷ USD, tăng 13,7%; lâm sản chính đạt khoảng 14,3 tỷ USD, tăng 20,9%; thủy sản đạt trên 7,9 tỷ USD, tăng 3,5%; chăn nuôi ước đạt 393 triệu USD, tăng 4,0%; nhóm đầu vào sản xuất trên 1,5 tỷ USD, tăng 25,9%.