Hồn làng, ai giữ?
Làng tôi lại vừa có thêm hàng loạt ngôi nhà hình ống được xây dựng. Nói “thêm” vì trước đó đã có rất nhiều ngôi nhà như vậy mọc lên. Một tầng, hai tầng, ba tầng, đủ cả!
Làng tôi ở vùng đồng bằng duyên hải Bắc Bộ, nằm dọc con đường chạy hướng đông tây, dài chừng 3km, đông dân. Hồi trước làng tôi có hai không gian rõ rệt. Không gian thứ nhất là khu dân cư, nằm phía trên đường làng, được chia thành những ô vuông mà vạch chia chính là mấy chục chiếc ngõ nhỏ hình “răng lược” nối với thân lược là đường chính qua làng. Ở đó, những ngôi nhà dù tranh hay ngói đều có cùng mô tuýp quay hướng nam, giữa có ba gian, thêm một hai gian buồng liền kề, phía trước có hàng hiên rồi sân, hông là khu công trình phụ, một số nhà có thêm vườn. Mỗi xóm thường có một sân phơi chung, một chiếc nhà kho-đặc trưng của thời kinh tế hợp tác xã. Đồng làng nằm ở phía sau…
Không gian thứ hai nằm ở phía trước, là một dãy dài ao, hồ nằm dọc đường làng, mỗi xóm thường có một hai cái, trong đó cái nằm giữa làng lớn nhất, được đặt tên là “Ao cá Bác Hồ”. Xen kẽ là những khu ruộng nhỏ, chia đều cho mỗi nhà để dùng gieo mỗi năm 2 lần mạ cấy. Từ làng nhìn xuống, tầm mắt được “phóng” qua một không gian rất thoáng đãng với mặt nước, vạt bèo, giàn rau muống, ruộng mạ, khóm tre, bụi mây, bụi ruối rồi mới “chạm” tới không gian của các làng phía dưới. Trong không gian khoáng đạt, nhiều màu xanh ấy các hoạt động dân sinh, sinh hoạt có tính cộng đồng diễn ra. Đến khi ấy, người làng tôi chưa có mấy người “thích” và tìm cách để có được ngôi nhà ở mặt đường…
Khi lứa tôi qua thời tuổi thơ, làng bắt đầu có nhiều thay đổi, dần dần nhưng rất rõ. Trước hết là sự xuất hiện của phong trào “bê-tông hóa”. Khi ấy, sau vài năm đổi mới, đời sống làng quê bắt đầu khấm khá. Kiến thiết lại nhà cửa, nhiều nhà chọn xây nhà mái bằng, đổ bê-tông thay cho những ngôi nhà tranh, nhà ngói. Xây nhà mái bằng có ưu điểm chi phí thấp hơn nhà ngói gỗ, thi công đơn giản, chắc chắn nhưng thường bị nóng. Vậy nên nhà nào cũng phải làm thêm trên nóc một công trình chống nóng, thường là dựng cột lợp mái tôn, thành ra từ trên cao nhìn xuống không thấy nhà, chả thấy kiến trúc, chỉ thấy một rừng mái tôn cao, thấp, bằng, vát với nhiều màu sắc khác nhau. Một số người vẫn luyến tiếc kiểu nhà mái ngói hướng nam vì nhìn đẹp mắt, mát mẻ nhưng chi phí gỗ lạt khi ấy đã rất đắt đỏ, cao hơn làm nhà mái bằng, đổ bê-tông nhiều nên không mấy người làm được.
Xong việc nhà đến “việc làng”. Từ đóng góp của cộng đồng, những ngõ xóm vốn trước đây chỉ là đường đất, “sang” hơn là đổ xỉ hoặc lát gạch, lát đá tảng…cũng dần được thay thế. Và, đường bê-tông lại được nhiều cộng đồng chọn vì ưu điểm bền chắc. Chỉ có điều bê-tông rải đến đâu những bụi tre, khóm ruối…nằm hai bên cũng bị “bật gốc” tới đó. Làm xong đường thì đến làm nơi hội họp chung (thường được gọi là nhà văn hóa). Xóm này theo xóm kia, làng này theo làng kia, cuối cùng tất cả cùng xây chung một kiểu là một ngôi nhà mái bằng, đổ…bê-tông, không khác mấy nhà dân, chỉ khác phần lớn diện tích được dùng làm hội trường.
Rồi những ngôi nhà thiết kế hình ống, “copy” từ thị thành ồ ạt mọc lên. Việc này có phần dễ hiểu! Người đẻ ra nhưng đất không nở ra. Khi giải quyết nhu cầu giãn cư cho người dân, địa điểm chính quyền chọn là khu hồ ao, ruộng mạ nằm trước làng. Đất khi ấy đã đắt đỏ lắm rồi nên phải qua hình thức đấu giá, thu tiền mỗi hộ giãn cư cũng chỉ được cấp loanh quanh trăm mét vuông. Bé thế nên không thể thiết kế nhà ngang, sân, vườn, buộc phải chọn mẫu nhà mái bằng, hình ống như ở thành phố.
Ao hồ trước làng mất dần, rồi mất hết từ đó. Đến lượt những hộ có nhà ở mặt đường nằm đối diện, do nhu cầu kiến thiết lại nhà cửa, nhu cầu tách hộ cho con cháu hoặc do cần tiền phải bán bớt đi một phần đất nên rốt cuộc những ngôi nhà hình ống, quay mặt ra đường cũng được lựa chọn xây dựng, từ đó hình thành hai dãy nhà ống nằm đối diện, chạy dọc hai bên đường làng, nhìn giống một con phố nhưng không vỉa hè, cây xanh. Không chỉ ở mặt đường làng, trong mấy chục con ngõ, nhiều gia đình có nhà liền kề vì những lý do tương tự cũng chuyển hướng nhà, từ nhà ngang, hướng nam sang xây nhà ống, quay mặt ra ngõ, hình thành nên những con ngõ có những ngôi nhà đối mặt không khác mấy ở thị thành. Ở đó, không còn chỗ đất nào cho dậu mồng tơi mọc lên, nhà nhà “khoe” ra những bộ cánh cửa làm bằng inox, “ra đóng vào cài”. Đến nhiều làng quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, tôi cũng bắt gặp những hình ảnh tương tự…
Mấy năm qua nhiều làng quê còn xuất hiện thêm, những ngôi nhà dạng biệt thự với đủ kiểu cách nhưng không ăn nhập gì với không gian xung quanh. Nhìn ở các khía cạnh kinh tế, xã hội việc này thật đáng mừng. Tuy nhiên, khi sự hài hòa của không gian, của kiến trúc làng quê được xem là một giá trị, một yêu cầu thì sự xuất hiện của những ngôi nhà “khủng” này giống như những quả bom từ trên trời “rơi xuống”, công phá dữ dội vào sự hài hòa của không gian, kiến trúc làng quê vốn đã có không ít sự xô lệch.
Ở thời điểm hiện tại, không gian làng quê nhiều nơi còn đang xuất hiện thêm một “nét mới”. Đó là, từ quy hoạch của chính quyền, nhiều khu đô thị phiên bản thu nhỏ cũng đã và đang mọc lên, gần các con đường tỉnh lộ, huyện lộ và liền kề những làng quê cũ. Chỉ nói đến sự thay đổi không gian, kiến trúc một cách tự phát, ồ ạt trên mà không đề cập đến những thay đổi, chuyển động trong đời sống dân sinh nông thôn hiện nay là chưa đủ. Rõ nhất là ở đây đang ngày càng có nhiều người ở nông thôn nhưng không làm nông nghiệp, “ly nông nhưng không ly hương”. Họ, nhất là giới trẻ rời ruộng đồng, chuyển sang kinh doanh dịch vụ hoặc vào làm việc tại các công ty, nhà máy trong các khu, cụm công nghiệp đã và đang mọc lên ngày càng nhiều xung quanh các làng quê, thay đổi hẳn mọi mặt đời sống. Tuy nhiên, càng nhiều người vào nhà máy thì lại càng có thêm nhiều thửa ruộng, cánh đồng bị bỏ hoang…
Không gian sống thay đổi, sinh kế thay đổi dẫn đến nếp sống, mối quan hệ của của các thành viên trong cộng đồng làng quê cũng thay đổi. Điều này có thể thấy qua việc nhiều nhà ở nông thôn giờ cũng “kín cổng cao tường”, gắn thêm cả “mắt thần” để chống trộm. Thanh niên kể từ khi vào nhà máy không còn thời gian sinh hoạt đoàn hội ở cộng đồng, chút thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi họ dành cho…chiếc điện thoại. Ở những cộng đồng có nhiều người đi làm ăn xa thì phải đối diện với một vấn đề xã hội khác, đó là làng quê chỉ còn lại toàn người già, trẻ nhỏ.
Giá trị riêng của nông thôn, như đã luôn được thừa nhận là sự yên bình, hài hòa giữa con người và thiên nhiên, là tính gắn kết cộng đồng, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, nhân văn, hồn cốt của dân tộc. Với những gì đang diễn ra, chúng ta đang có một nông thôn đổi thay, phát triển về kinh tế, hạ tầng nhưng kéo theo là sự biến dạng về không gian, tạp nham về kiến trúc và mai một, đứt gãy những giá trị riêng có. Hiện trạng này rất cần sự nắn chỉnh! n