Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Chậm chân là mất cơ hội
Theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định nông nghiệp là một trong tám ngành ưu tiên chuyển đổi số. Tuy vậy, có ý kiến cho rằng, với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, vượt qua được là thách thức rất lớn. Mặt khác, cơ hội chiến thắng lại không kéo dài cho những ai chậm chân.
Hiệu quả bước đầu
Thời gian qua, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại trong nông nghiệp đã góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, kết nối với người tiêu dùng...
Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm, nhiều địa phương đã chủ động quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, giảm bớt gánh nặng cho người nông dân. Như tiêu thụ vải tại Bắc Giang, Hải Dương hay nhãn ở Sơn La, Hưng Yên, tiêu thụ bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh) và xoài, thanh long, sầu riêng… ở các tỉnh phía Nam.
Với việc giới thiệu sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đã giúp tiêu thụ được một lượng không nhỏ nông sản, giảm bớt khó khăn cho nông dân. Tại các tỉnh phía Nam, Bộ NNPTNT đã đẩy mạnh việc ứng dụng trang web, zalo vào kết nối cung-cầu nông sản. Đến nay đã có hàng nghìn doanh nghiệp, khách hàng truy cập thường xuyên. Các ứng dụng công nghệ số đã giúp tiêu thụ hàng trăm tấn nông sản.
Theo Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NNPTNT), ngành nông nghiệp ngày một quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực. Trong trồng trọt, công nghệ IoT, Big data ứng dụng thông qua phần mềm cho phép phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây và giai đoạn sinh trưởng của cây, người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi các thông số này theo thời gian thực hiện.
Trong chăn nuôi, công nghệ IoT, Blockchain, công nghệ sinh học được áp dụng rộng ở trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Ngành chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ số nhiều nhất.
Trong lâm nghiệp, công nghệ DND mã mạch được áp dụng trong quản lý giống lâm nghiệp và lâm sản, công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ tinh, phần mềm giám sát và phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng. Công nghệ AI đã được sử dụng trong nuôi tôm nhằm phân tích các dữ liệu về chất lượng nước; quản lý thức ăn và sức khỏe của tôm nuôi...
Nói như Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ 6 với chủ đề: “Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp” mới đây: Hiện nay kinh tế số đang là xu thế tất yếu của thời đại, được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu, ứng dụng và phát triển. Đặc biệt, dưới tác động của đại dịch Covid-19, chuyển đổi số đã không còn là giải pháp lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi quốc gia và từng lĩnh vực, từng người dân.
“Với vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế quốc dân, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ là một trong những yếu tố then chốt giúp nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, hiệu quả sản xuất cao hơn. Ngoài ra, số hóa còn giúp thông tin minh bạch, chính xác, kết nối sản xuất cung - cầu, khắc phục tình trạng thiếu thông tin về thị trường.
Do đó, chuyển đổi số là giải pháp tích cực có thể khắc phục điểm yếu cố hữu là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và hình thành chuỗi giá trị, liên kết sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp. Chuyển đổi số trong nông nghiệp thành công sẽ là yếu tố quan trọng giúp chuyển đổi số quốc gia thành công”, ông Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.
Tính đến tháng 11/2021, đã có hơn 2 triệu hộ nông dân sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, với gần 50.000 sản phẩm nông sản nông nghiệp được đưa lên các sàn thương mại điện tử và hàng nghìn giao dịch điện tử được thực hiện.
Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn khẳng định: Kinh tế số đang là xu thế tất yếu của thời đại. Hàng năm, Việt Nam cũng xuất khẩu tới 42 - 43 tỷ USD các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tới trên 180 nước, vùng lãnh thổ; trong đó có 10 mặt hàng chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên như lúa gạo, tôm, cá tra, cao su, hồ tiêu, hạt điều, cà phê, sắn, đồ gỗ… Đây thực sự là một số liệu, dữ liệu khổng lồ đòi hỏi nếu không được “số hóa” hay chuyển đổi số từ các dữ liệu đơn lẻ, từ cách hình thức ghi chép, thống kê khác nhau thành một kho dữ liệu để phục vụ cho chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị của ngành nông nghiệp.
Còn nhiều thách thức
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp vẫn còn nhiều thách thức lớn. Giới chuyên gia nông nghiệp cho rằng, hiện việc áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp còn gặp khó do đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, sử dụng, vận hành thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích...) còn thiếu.
TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam phân tích: Đặc điểm ngành nông nghiệp là sản xuất phân tán theo địa phương với 8,6 triệu hộ nông dân nhỏ lẻ, đất đai manh mún.
Cùng với đó, tính chuyên nghiệp của nông dân chưa có, trong khi đó, thông tin dữ liệu về nông dân cũng còn thiếu nhiều… Vì vậy, việc chuyển đổi số khá khó khăn.
Mặt khác còn là sự thiếu liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác. Cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp.
Trình độ cơ giới hóa còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm…) chưa tương xứng với công nghệ số.
Tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh miền núi, nhận thức và trình độ của nông dân còn hạn chế, nên khó áp dụng công nghệ mới, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…
Cũng có ý kiến cho rằng, hiện đã có nhiều chính sách hấp dẫn nhưng khi đưa vào thực thi vẫn còn tồn tại ràng buộc về hành chính. Như 10% nguồn thu của doanh nghiệp được đầu tư cho đổi mới sáng tạo nhưng đổi mới sáng tạo là gì vẫn chưa định hình rõ khiến doanh nghiệp gặp khó khi sắp xếp nguồn vốn.
Bên cạnh đó, quy hoạch phát triển ngành rất cần thay đổi và rà soát lại bởi nhiều chính sách còn chồng lấn lên nhau, gây khó cho doanh nghiệp, tập đoàn muốn đầu tư vào nông nghiệp.
Giải bài toán chuyển đổi số
Để có thể khơi thông “dòng chảy” chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp phải gỡ được những rào cản nêu trên. Theo TS Đào Thế Anh, độ phủ sóng thiết bị di động thông minh rất lớn nên đây chính là cơ hội cho nông dân và ngành nông nghiệp thực hiện chuyển đổi số.
“Trước đây, nông dân vùng sâu, vùng xa tham gia các hoạt động của Trung tâm Khuyến nông quốc gia rất khó khăn. Nếu chúng ta thực hiện chuyển đổi số thành công thì với một chiếc điện thoại thông minh, nông dân vùng sâu, vùng xa không chỉ tham gia được các lớp tập huấn khuyến nông mà còn tiếp cận được nhiều dịch vụ khác”, TS Đào Thế Anh gợi mở.
Đồng quan điểm, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, Trung tâm là đầu mối hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trên toàn quốc. Trước đây, việc chuyển giao công nghệ thực hiện theo phương pháp truyền thống là phải xuống trực tiếp các mô hình sản xuất.
“Từ khi xảy ra dịch Covid-19, chúng tôi thấy rằng cần chuyển đổi ngay hình thức truyền thống sang sử dụng công nghệ thông tin, trong đó có việc áp dụng chuyển đổi số, xây dựng kế hoạch hành động chi tiết. Cụ thể, biến lớp học truyền thống thành lớp học online. Thông qua hình thức này, chúng tôi tiếp cận được bà con nông dân ở vùng sâu vùng xa”, ông Thanh cho biết.
Bên cạnh đó, ông Dương Tôn Bảo, Vụ Bưu chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, người trực tiếp thực hiện việc đưa nhiều nông sản lên các sàn thương mại điện tử thời gian qua kiến nghị, việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua các sàn thương mại điện tử là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Từ đó, giúp hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã… trong việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường.
Ở một góc nhìn khác, TSKH Bạch Quốc Khang, chuyên gia KH&CN Bộ NNPTNT nhận định, với vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn cần phải có chiến lược phát triển bứt phá theo cách tiếp cận mới của chuyển đổi số.
TS Bạch Quốc Khang quả quyết, chuyển đổi số có tính tuần tự, diễn ra trong một thời gian dài, nhưng cơ hội chiến thắng lại không kéo dài cho những ai chậm chân, đặc biệt là khu vực có trình độ phát triển thấp.
Chuyển đổi số hiện nay không đơn giản chỉ là số hóa (biến đổi dữ liệu trên giấy thành dữ liệu mềm, số hóa quy trình cũ), mà nó yêu cầu phải ứng dụng công nghệ số tạo ra những phương thức làm việc mới, mở ra thời kỳ phát triển “Thông minh hóa”, cao hơn hẳn các thời kỳ “Cơ khí hóa”, “Điện khí hóa”, “Tự động hóa” trước đây. Đối với nông nghiệp nông thôn, đó là bậc thang chuyển đổi rất cao, vượt qua được là thách thức rất lớn.
Nhấn mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp phải bắt đầu từ nông dân, trên từng thước đất, chứ không chỉ là công việc của doanh nghiệp vì kinh tế hộ chiếm tới 99,89% tổng số các chủ thể sản xuất mới là phần làm nên nền tảng của kinh tế nông nghiệp.
TS Bạch Quốc Khang cho rằng, người nông dân buộc phải tự thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy để lựa chọn bước đi phù hợp, thực hiện tiến trình ứng dụng công nghệ số vừa có tính tự nguyện, vừa bắt buộc. Bởi triết lý thành công của chuyển đổi số là phải làm cùng nhau, tất cả cùng làm, nên cách tiếp cận cùng nhau là bắt buộc đối với chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Nó phải dựa trên sự phát triển liên kết chuỗi ngang và dọc, hình thành phương thức mới và các mạng lưới hợp tác, kết nối giữa các đơn vị nội ngành và ngoài ngành, tạo ra nông nghiệp kết nối và chia sẻ, gắn chặt với thương mại số.
Không thể có doanh nghiệp chuyển đổi số thành công nếu không có “nông dân số”.
“Tuy nhiên, bước đi chuyển đổi số trong nông nghiệp cần thận trọng. Chuyển đổi số không phải là cải tiến, mà là sự sáng tạo mang tính “phá hủy” nhiều cái cũ. Vì thế, với điểm xuất phát thấp, nguồn lực hạn chế, chuyển đổi số nông nghiệp không được phép sai lầm. Làm ngay, nhưng phải từng bước chắc chắn và làm không ngừng. Không phải tất cả mọi khâu, mọi công việc cần phải số hóa đồng loạt. Mỗi chủ thể phải biết cần làm gì trước, công nghệ nào ứng dụng trước, tránh “tham lam” để rồi quá tải và lạc hướng”, TS Khang lưu ý.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến: Chuyển đổi số là giải pháp tích cực, có thể khắc phục những tồn tại về sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và hình thành chuỗi giá trị, liên kết sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp thành công không chỉ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giúp nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận và hiệu quả sản xuất mà còn góp phần quan trọng vào thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.
Nhiều nông dân đã thu được tiền tỉ trên chính những mảnh vườn, thửa ruộng, vuông tôm, chuồng trại của mình. Nhưng thế nào là chuyển đổi số, không nhiều người nắm rõ. Hy vọng những nông dân hiểu biết về công nghệ sẽ là những người đi đầu, dẫn dắt hàng triệu hội viên nông dân cùng chuyển đổi số.
Dù còn nhiều gian nan, thách thức nhưng cũng là cơ hội rất lớn để tạo nên cuộc “đại thay đổi” cho ngành nông nghiệp.
TS Nguyễn Đức Tùng, Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam: Để chuyển đổi nền kinh tế nói chung, trong đó có nền kinh tế nông nghiệp, trước tiên chúng ta cần bắt đầu bằng tư duy của người đứng đầu. C
ần đặt ra mục tiêu cơ giới hóa nền nông nghiệp bởi nếu không có máy móc thiết bị hỗ trợ cho con người sản xuất và lao động, sẽ rất khó tối ưu hóa năng suất lao động và ứng dụng công nghệ. Bên cạnh đó, cần có những chính sách phù hợp nhất để thúc đẩy mục tiêu chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Nguồn nhân lực cũng là một trong những vấn đề then chốt khi chúng ta vừa phải đào tạo cho cộng đồng doanh nghiệp - đối tượng chính đưa công nghệ và cơ giới hóa vào nông nghiệp, vừa phải đào tạo người nông dân - đối tượng lao động chính tạo ra sản phẩm nông nghiệp.