Tỷ phú Mukesh và kế hoạch ‘truyền ngôi’

Bảo Thư 05/12/2021 08:20

Mới đây, hãng tin Bloomberg loan tin người đàn ông giàu nhất châu Á - tỷ phú người Ấn Độ Mukesh Ambani đang lên kế hoạch chi tiết cho giai đoạn tiếp theo của đế chế trị giá hơn 84 tỷ USD của mình. Mục đích của ông là ngăn chặn cuộc chiến giành quyền kế vị vốn lâu nay đã khiến nhiều gia tộc giàu có trên khắp thế giới rơi vào cảnh “huynh đệ tương tàn”.

Kế hoạch “truyền ngôi” của tỷ phú Mukesh có thể truyền cảm hứng cho những gia tộc giàu có khác trên toàn thế giới - bình luận của Bloomberg. Tuy nhiên, với khối tài sản cực lớn thì đó không bao giờ là việc dễ dàng. Thực tế thì đã nhiều năm tỷ phú Mukesh đã tìm hiểu cách thức chuyển giao quyền lực cho thế hệ tiếp theo của các gia đình tỷ phú ở nhiều gia tộc.

Kế hoạch được nhà tài phiệt Ấn Độ hài lòng nhất có nhiều yếu tố tương tự như của gia tộc Walton từng nắm giữ tập đoàn Walmart. Theo đó, tỷ phú Mukesh đã xem xét chuyển cổ phần của gia đình mình sang một cấu trúc giống như quỹ tín thác để kiểm soát công ty Reliance Industries được niêm yết tại Mumbai.

Ông Mukesh, vợ ông (bà Nita) và 3 người con sẽ nắm cổ phần trong quỹ mới giám sát Reliance và có mặt trong hội đồng quản trị của công ty. Một số người thân tín lâu năm của Ambani sẽ đóng vai trò cố vấn.

Tuy nhiên, phần lớn việc quản lý sẽ được giao cho những người bên ngoài, những chuyên gia sẽ điều hành các hoạt động hàng ngày của công ty có ảnh hưởng nhất tại Ấn Độ và các công ty con, từ lọc hóa dầu đến viễn thông, thương mại điện tử và năng lượng xanh.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là đồn đoán vì tỷ phú Mukesh vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Jan Boes - người đứng đầu bộ phận Quản lý tài sản toàn cầu có trụ sở tại Singapore, chuyên giám sát các chiến lược văn phòng gia đình ở châu Á -Thái Bình Dương, nói: “Họ muốn tránh điều đó. Trước tiên là do đại dịch, nhưng quan trọng hơn là chuyển giao số tài sản kếch sù vào tay ai luôn là việc khó khăn. Và về mặt văn hóa, đây không phải là điều mà mọi người thoải mái khi nói về nó”.

Được thành lập vào năm 1973, đế chế Reliance đã chìm vào bất ổn vào năm 2002 khi người sáng lập - thường được biết đến với cái tên Dhirubhai - qua đời mà không để lại di chúc. Điều đó đã châm ngòi cho một cuộc chiến kéo dài nhiều năm để giành quyền kiểm soát giữa ông Mukesh Ambani và người em trai Anil Ambani.

Trong một thỏa thuận năm 2005 do Kokilaben làm trung gian, hai anh em đã quyết định chia đôi Reliance. Theo đó, ông Mukesh sẽ sở hữu các doanh nghiệp lọc hóa dầu - tuy phát triển chậm nhưng có lãi, còn người em trai Anil sẽ nắm giữ các hoạt động có tiềm năng lâu dài hơn: dịch vụ tài chính, sản xuất điện và viễn thông.

Như vậy, bản thân ông Mukesh cũng đã trải qua “một cuộc chiến huynh đệ” về tài sản và quyền lực công ty gia đình, nên việc “truyền ngôi” lần này sẽ phải được ông cân nhắc hết sức cẩn thận.

Nhân chuyện này, truyền thông Ấn Độ đã lên danh sách 10 tỷ phú giàu nhất Ấn Độ năm 2021. Theo đó, đứng đầu là tỷ phú Mukesh Ambani, người đã tăng thêm gần 48 tỷ USD vào tài sản của mình kể từ năm ngoái, và giành lại danh hiệu người giàu nhất châu Á, với giá trị tài sản ròng 84,5 tỷ USD.

Tiếp đến là ông trùm cơ sở hạ tầng Gautam Adani, đã giàu lên đáng kinh ngạc 42 tỷ USD khi cổ phiếu của các công ty của ông, bao gồm Adani Enterprises và Adani Green Energy tăng vọt. Với khối tài sản của mình đã tăng gấp 5 lần kể từ năm 2020.

Người thứ ba có được sự giàu có từ việc kinh doanh lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, một lĩnh vực đang có xu hướng gia tăng trong bối cảnh đại dịch diễn ra trên toàn thế giới. Serum Institute of India (Công ty dược phẩm và công nghệ sinh học) của tỷ phú Cyrus Poonawalla, do con trai ông là Adar, 40 tuổi, điều hành, đã sớm tham gia cuộc đua vaccine Covid-19 bằng cách tạo dựng nhiều mối quan hệ đối tác và đầu tư 800 triệu đô la vào việc xây dựng một nhà máy mới.

Covishield, vaccine Covid-19 được sản xuất tại Ấn Độ do tổ hợp Đại học Oxford-AstraZeneca phát triển, hiện đang được cung cấp trên khắp đất nước và cũng như xuất khẩu tới nhiều quốc gia khác.

Những tỷ phú Ấn Độ trong top 10 đều kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ, đầu tư, ngân hàng, thép, vaccine, dược liệu,và viễn thông. Người “nghèo nhất” cũng có tổng tài sản trị giá trên 12 tỷ USD.

Bảo Thư