Thế giới rúng động vì Omicron
Dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, những loại vaccine hiện đang được sử dụng có thể giúp tránh mắc Covid-19 nặng từ biến chủng Omicron mới, nhưng hơn mười ngày qua thế giới tưởng chừng “rúng động” trước tai họa mới này - nhận xét của Bloomberg.
Mặc dù TS Soumya Swaminathan, Trưởng nhóm khoa học của WHO cho rằng những loại vaccine đang sử dụng có tác dụng đối với biến chủng mới Omicron, nhưng nhiều quốc gia đã lập tức áp dụng biện pháp ngăn chặn.
Tuy nhiên, TS Soumya cũng cho biết, WHO đang trông chờ có thêm dữ liệu về sự lây nhiễm của biến chủng Omicron trong những ngày tới và đã liệt biến thể này vào loại “đáng lo ngại”. Trong khi đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng lệnh cấm nhập cảnh của nhiều nước về mặt khoa học và thực tế thì cũng đều không ngăn được sự lan truyền của biến chủng mới.
Bằng chứng là với biến thể Alpha (bắt đầu tại Vương quốc Anh vào tháng 12/2020) và biến thể Delta (bắt đầu từ Ấn Độ, tháng 3/2021), khi chúng có độc lực mạnh thì sự lây lan vô cùng ghê gớm và thảm họa là rất khốc liệt.
Người đứng đầu WHO kêu gọi mọi người tiếp tục tiêm vaccine hoặc tiêm nhắc lại: Chúng ta vẫn phải đặt ưu tiên hàng đầu trong việc chống lại biến thể Delta. Đó cũng là cách để ngăn chặn biến thể Omicron.
“Có chuyện đang xảy ra”
Ngày 23/11, cầm trên tay tách cafe tại văn phòng làm việc, Tulio de Oliveira, Giám đốc Trung tâm ứng phó dịch bệnh Nam Phi chia sẻ với một đồng nghiệp về một bí mật.
“Có chuyện đang xảy ra. Họ đã phát hiện một biến thể chưa từng gặp từ trước đến nay” - ông Oliveira nói với Alex Sigal, một chuyên gia virus học tại một phòng thí nghiệm ở Nam Phi.
Chỉ 2 ngày sau đó, ngày 25/11, Giáo sư Oliveira thông báo tới Tổng thống Nam Phi nội dung: Một biến thể mới với các dấu hiệu đáng lo ngại là nguyên nhân đứng sau làn sóng dịch mới. Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế và các nhà khoa học Nam Phi chính thức ra thông báo về B.1.1.529. Và cũng chỉ sau đó 1 ngày, vào ngày 26/11, tại một cuộc họp khẩn do WHO triệu tập, người ta đã đặt tên cho biến thể mới này là Omicron và xếp nó vào hạng “đáng lo ngại”- bậc cao nhất cảnh báo dịch Covid-19.
Việc chia sẻ thông tin về biến thể mới này là “nhanh chư từng có”. Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Tổng Giám đốc WHO Tedros đã lên tiếng khen ngợi Nam Phi về sự tích cực hợp tác đó. Tuy nhiên, thông tin về Omicron cũng đã lập tức giáng đòn mạnh vào kỳ vọng thế giới sớm trở lại bình thường, khiến giá dầu, thị trường chứng khoán, trái phiếu toàn cầu rớt mạnh.
Tới thời điểm này, đánh giá cũng như mức độ cảnh báo về biến thể Omicron chưa thống nhất. Nhưng có một điểm quan ngại rõ ràng là biến thể này có tới 32 đột biến trên protein gai, cấu trúc mà virus dựa vào đó để xâm nhập vào tế bào con người.
“Giai đoạn tiếp theo trong cuộc chiến chống đại dịch của thế giới sẽ phụ thuộc vào việc 32 đột biến này có sức tàn phá, khả năng lây nhiễm ra sao” - TS Soumya nói.
Động thái từ Nam Phi
Trở lại với Nam Phi, nơi công bố đầu tiên về biến thể Omicron với ca nhiễm đầu tiên được xác định vào ngày 11/11 ở tỉnh Gauteng, một trung tâm kinh tế lớn của Nam Phi. Cùng ngày, địa phương này ghi nhận 120 ca nhiễm mới, dù trước đó khu vực này có tỉ lệ lây nhiễm thấp kỉ lục từ đầu dịch. Đến ngày 28/11, số ca nhiễm tại Gauteng lên đến 2.308 ca. Nếu như trước đây xét nghiệm ở Gauteng cho tỉ lệ dương tính là dưới 1%, nay tỉ lệ này đã lên tới 20%.
Thực tế đó khiến sự hoài nghi về tình hình dịch bệnh tại châu Phi cũng như số ca tử vong do Covid-19 gây ra cho lục địa này. Trước khi biến thể Omicron được phát hiện, thế giới đã lấy làm ngạc nhiên trước sự “miễn nhiễm” với Covid-19 của hơn 1,3 tỷ người dân châu Phi (chiếm 1/6 dân số thế giới). Trong khi thế giới điên đảo vì Covid-19 khi biến thể Delta bùng phát thì châu Phi vẫn “bình yên”, khi mà số ca tử vong chỉ chiếm 3% số ca tử vong toàn cầu.
Cho dù lãnh đạo các quốc gia châu Phi lên tiếng phản ứng trước việc nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ “cấm cửa” người đến từ châu lục đen, tuy nhiên tình hình thực tế tại đây vẫn khá căng thẳng.
“Chúng tôi kêu gọi tất cả những quốc gia đã áp đặt lệnh cấm đi lại đối với đất nước chúng tôi và các quốc gia láng giềng ở khu vực phía nam châu Phi lập tức và khẩn cấp đảo ngược quyết định của họ” -Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa hôm 28/11 tuyên bố trong bài phát biểu đầu tiên trước quốc gia sau khi phát hiện biến chủng mới.
Giới khoa học ngành y ở Nam Phi tuy không lên tiếng mạnh mẽ nhưng cũng được cho là đang gấp rút lên các phương án chống lại biến thể Omicron. Họ nhận thấy, biến thể này nhắm nhiều tới những người dưới 25 tuổi, trong khi đó tỷ lệ tiêm ở thanh niên rất thấp. Chính vì thế, 3 cơ sở giáo dục đại học của Nam Phi là Đại học Cape Town, Đại học Witwatersrand ở Johannesburg và Đại học Free State ở Bloemfontein, đã thông báo quy định tiêm chủng bắt buộc với sinh viên vào năm tới.
Bản thân Tổng thống Ramaphosa cũng kêu gọi người dân nhanh chóng đi tiêm. “Tôi kêu gọi ai chưa tiêm hãy tới điểm tiêm chủng gần nhất. Nếu có ai trong gia đình hay bạn bè của bạn chưa tiêm, hãy động viên họ làm điều đó” - ông kêu gọi trên đài truyền hình quốc gia.
Cuộc đua vaccine chống lại Omicron
Cho dù chưa có kết luận chính thức về độc lực của biến thể Omicron cũng như chưa có khẳng định nào về việc các loại vaccine đang sử dụng có (hoặc không) tác dụng đối với Omicron, nhưng các hãng dược lớn đã đồng loạt tuyên chiến với biến thể virus mới này.
Ngay sau khi biến thể Omicron bị WHO xếp vào danh sách “biến thể đáng lo ngại”, ngày 26/11, Trường ĐH Oxford, Công ty AstraZeneca (của Anh) tuyên bố đã phát triển một nền tảng vaccine cho phép họ phản ứng nhanh với những biến thể mới và đang tiến hành nghiên cứu ở những địa điểm phát hiện Omicron.
Công ty Pfizer (Mỹ) và Công ty BioNTech (Đức) cũng khẳng định trong trường hợp xuất hiện một loại biến thể mới có thể thoát khỏi miễn dịch do vaccine tạo ra, họ có thể phát triển và sản xuất một loại vaccine chuyên trị biến thể này trong khoảng 100 ngày.
Công ty Novavax (Mỹ) cho biết, đã bắt đầu nỗ lực phát triển một protein gai tái tổ hợp dựa trên trình tự của Omicron và dự kiến bắt đầu thử nghiệm, sản xuất trong vài tuần tới.
Trong khi đó, Công ty Moderna (Mỹ) tuyên bố kể từ đầu năm 2021, họ đã phát triển một chiến lược toàn diện để đoán trước những biến thể mới gây lo ngại. Chiến lược này bao gồm 3 cấp độ phản ứng trong trường hợp loại vaccine trước đó đã được phê chuẩn không thể làm tăng miễn dịch và đã suy yếu trước Omicron.
Đáng chú ý, ông Andrew Pollard, Giám đốc Tổ chức vaccine Oxford (Anh), cho rằng những vaccine hiện hành vẫn có thể chống lại Omicron dù biến thể này được dự đoán là có thể lây nhiễm nhanh hơn, khiến những vaccine hiện hành suy giảm mức độ hiệu quả và có thể cản trở một trong những liệu pháp điều trị.
Trong khi đó, bà Angelique Coetzee - thành viên của Hiệp hội Y khoa Nam Phi chia sẻ với báo The Telegraph rằng, những ca nhiễm liên quan đến Omicron có sức khỏe tốt, có biểu hiện triệu chứng bất thường nhưng nhẹ, từ đau nhức cơ bắp, mệt mỏi trong 1 hoặc 2 ngày đến ho nhẹ.
Còn TS Van Kerkhove cho rằng: “Mọi thứ chúng ta có thể làm để chống lại biến chủng Delta, vốn thống trị trên toàn thế giới, cần được áp dụng và củng cố cho biến chủng Omicron, bất kể quỹ đạo của Omicron diễn ra như thế nào”.
Về triệu chứng nhiễm biến thể Omicron, theo TS Angelique Coetzee - người trực tiếp tham gia phát hiện biến thể mới tại Nam Phi, cho biết gồm mệt mỏi, đau đầu và đau họng, không có trường hợp nào bị mất khứu giác hay bị ho kéo dài như các ca nhiễm các biến thể trước đây. Hiện vẫn còn quá sớm để kết luận triệu chứng ở người nhiễm biến thể Omicron nặng hơn hay nhẹ hơn ở người nhiễm Delta. Còn theo Bộ Y tế Nam Phi, có những dấu hiệu sơ bộ cho thấy các ca nhiễm Omicron thường xuất hiện triệu chứng nhẹ, hầu hết là những người trẻ tuổi. Mà thông thường, những người trưởng thành trẻ tuổi và trẻ em nếu mắc Covid-19 đều xuất hiện các triệu chứng nhẹ hơn so với những người lớn tuổi.
Tuy nhiên, những đột biến ở virus thường diễn ra trong quá trình chúng sao chép bên trong cơ thể vật chủ. Có một điều mà giới khoa học đều nhất trí đó là càng nhiều người chưa được tiêm phòng hoặc chưa có miễn dịch với Covid-19 thì càng có nhiều cơ hội cho virus lây lan và gia tăng nguy cơ xảy ra những biến đổi để hình thành những biến thể mới đáng lo ngại hơn. Do đó, cách tốt nhất để bảo vệ cơ thể và tránh phải gặp những biến thể mới là tiêm phòng.