Vì sao cần tiêm mũi thứ 3?
Thời gian qua, nhiều chuyên gia y tế đề cập đến việc cần tiêm mũi vaccine thứ 3 để tăng cường, phòng tránh Covid-19. Hiện một số địa phương như Đồng Nai, TP HCM, Hà Nội… cũng đã lên kế hoạch thực hiện tiêm mũi vaccine thứ 3 cho những lực lượng tuyến đầu. Nhưng vì sao đã tiêm mũi vacine cơ bản rồi vẫn cần thiết phải tiêm mũi vaccine tăng cường?
“Cơ bản” và “tăng cường”
Chiến lược tiêm vaccine liều thứ 3 đã được nhiều quốc gia triển khai. Israel là một trong những nước đầu tiên phê duyệt, giúp chấm dứt đợt lây nhiễm thứ tư nghiêm trọng. Trong khi đó, từ tháng 9, phần lớn các nước châu Âu như Đức, Pháp, Anh, Bỉ, Áo cũng đã tiến hành tiêm liều vaccine thứ 3 cho những người dễ tổn thương, lớn tuổi và bị suy giảm miễn dịch. Mục tiêu chính của chương trình là kéo dài sự bảo vệ, giảm thiểu số ca nhiễm nghiêm trọng khi thời tiết lạnh hơn.
Trên thế giới, các chuyên gia khuyến cáo nên tiêm tăng cường cho người lớn tuổi, người có bệnh nền, lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ngày 11/10, nhóm chuyên gia Cố vấn Chiến lược (SAGE) thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đưa ra khuyến cáo tiêm mũi thứ 3 cho người suy giảm miễn dịch.
Theo SAGE, nhóm đối tượng này ít có khả năng đáp ứng đầy đủ với vaccine nếu chỉ tiêm theo liều tiêu chuẩn và có nguy cơ trở thành ca bệnh nặng khá cao.
Trở lại với câu chuyện mũi thứ 3 ở Việt Nam gần đây được nhiều người nhắc tới, PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Trưởng khoa Y tế cộng đồng, Trường ĐH Y Dược TP HCM) cho biết, trong tiêm vaccine có 2 loại, gồm: tiêm chủng cơ bản (basic) và tiêm chủng tăng cường (booster). Tiêm chủng cơ bản có một mũi, hai mũi hoặc thậm chí 3 mũi (tùy liệu trình từng loại vaccine) để đảm bảo miễn dịch.
Trong thứ tự này, những mũi nào lặp lại sau mũi đầu tiên thì gọi là mũi nhắc. Còn khi hoàn thành liệu trình vaccine, tiêm thêm một mũi để đảm bảo tốt hơn được gọi là mũi tăng cường.
Như vậy với các loại vaccine Covid-19 Việt Nam đang sử dụng, mũi thứ 3 gọi là mũi tăng cường. “Còn những loại vaccine chỉ cần tiêm một mũi là đủ liều như Johnson & Johnson, mũi 2 được gọi là mũi tăng cường”, ông Dũng giải thích.
Đồng quan điểm, TS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương) phân tích: Trước nay, người dân Việt Nam vẫn quen với khái niệm về mũi 1, mũi 2 hay gần đây là mũi 3 vaccine phòng Covid-19. Tuy nhiên, điều này gián tiếp gây ra nhiều hiểu lầm trong quá trình tiêm chủng, đồng thời dẫn đến một số hệ lụy không đáng có.
Theo TS Thái, để tránh có những hiểu nhầm, trước hết cần hiểu rõ các khái niệm. “Liều cơ bản là liều được các nhà sản xuất vaccine hướng dẫn và thực hành tiêm chủng trong thời gian qua. Sau khi hoàn thành liều cơ bản, người được tiêm sẽ có miễn dịch bảo vệ trước SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.
Như vậy, mỗi hãng sản xuất vaccine Covid-19 sẽ có số liều cơ bản khác nhau. Ví dụ, vaccine Janssen của hãng Johnson&Johnson sẽ có liều cơ bản là 1 mũi. Trong khi đó, liều cơ bản của AstraZeneca, Pfizer, Moderna,... là 2 mũi. Với vaccine Abdala của Cuba, liều cơ bản là 3 mũi”, ông Thái lý giải.
Ưu tiên người lớn tuổi, bệnh nền, nguy cơ cao
Cũng theo TS Phạm Quang Thái, trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy sau một thời gian, miễn dịch của cơ thể với liều cơ bản bị giảm dần. Khi đó, người dân sẽ cần tiêm mũi tăng cường. Trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, cùng với sự nguy hiểm từ biến chủng mới ở Nam Phi, khuyến cáo của Bộ Y tế về mũi tăng cường có giá trị rất lớn.
“Mũi vaccine tăng cường không chỉ phòng biến chủng mới từ nước ngoài xâm nhập, nó còn giúp chúng ta phòng chống nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới từ chính nội tại quốc gia”, TS Thái nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia y tế, mũi vaccine Covid-19 thứ 3 là mũi tăng cường có hiệu quả bảo vệ cao, nên tiêm cho người cao tuổi, có bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (chuyên gia dịch tễ, cố vấn Khoa Nhiễm -Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết: “Mũi vaccine thứ 3 là mũi tăng cường, nên tiêm sau 3 đến 6 tháng. Hai mũi đầu được gọi là mũi cơ bản và trước mắt nên tiêm mũi 3 cho những người lớn tuổi, bệnh nền, nguy cơ cao”.
Bộ Y tế mới đây cũng đã cho phép tiêm liều bổ sung sau liều cơ bản ít nhất 28 ngày, hoặc tiêm liều thứ 3 vào 6 tháng sau; có thể tiêm trộn vaccine mRNA. Liều cơ bản là liều tiêm theo liệu trình vaccine được nhà sản xuất quy định.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, hiện ngành y tế ưu tiên tối đa để tiêm đủ liều cơ bản cho người dân; sau đó sẽ tiêm mũi 3, lần lượt là liều bổ sung và liều nhắc lại để tăng cường miễn dịch.
Số liệu của Bộ Y tế tính tới ngày 4/12 cho thấy, tỷ lệ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine ở Việt Nam đạt hơn 93% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 70% dân số từ 18 tuổi trở lên. Nhiều tỉnh, thành phố tiêm đủ 2 mũi cho 80-90% người trên 18 tuổi.
Với liều bổ sung, Bộ Y tế hướng dẫn tiêm cho người từ 18 tuổi, ưu tiên tiêm trước cho người 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản và có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng, như: Người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng. Loại vaccine tiêm bổ sung cùng loại với liều cơ bản hoặc mRNA; khoảng cách sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày nếu có đủ vaccine.
Liều nhắc lại tiêm cho người từ 18 tuổi đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung; ưu tiên người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng cho biết, hiện nay đã có hợp đồng với các hãng mua 200 triệu liều vaccine, nên theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế đã và đang đàm phán với các đối tác cung cấp vaccine cho Việt Nam gồm Pfizer và AstraZeneca đủ tiêm nhắc lại và tăng cường trong thời gian tới.