Huy động nguồn lực nào cho phục hồi kinh tế?
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Việt Nam đã sử dụng linh hoạt các chính sách về tài khóa, tiền tệ nhằm khắc phục và hỗ trợ phục hồi kinh tế trong đại dịch.
Ngày 5/12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững” chính thức được khai mạc theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại 57 điểm cầu trong nước và quốc tế.
Tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 còn có các ông: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ...
Diễn đàn lần này còn có sự tham dự của các khách mời quốc tế gồm: ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam; Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam; ông Jacques Morisset, Kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới tại Việt Nam; bà Mashimot Makiko, Chuyên gia về Việc Làm, Văn phòng ILO Khu vực châu Á - Thái Bình Dương; cùng các vị đại diện Đại sứ quán một số nước, các chuyên gia kinh tế, đại diện các doanh nghiệp, cán bộ của các tổ chức quốc tế các bộ, ban ngành cơ quan trung ương, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học nhà kinh tế tại các điểm cầu trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã gây ra thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Trong năm 2020, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh và là một trong những nước có tăng trưởng dương cao nhất thế giới.
Năm 2021, Việt Nam đã có nhiều giải pháp đổi mới để thực hiện nhiệm vụ kép, trong đó có cả phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 với biến chủng Delta đã gây thiệt hại rất nặng nề, làm ảnh hưởng đến tình hình thực hiện mục tiêu kinh tế xã hội.
Để đối phó với dịch bệnh, khắc phục những thiệt hại và tác động của dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, các nước trên thế giới đã đưa ra nhiều gói giải pháp về tài khóa, tiền tệ khác nhau, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Việt Nam đã sử dụng linh hoạt và khá đồng bộ các chính sách về tài khóa, tiền tệ cũng như các chính sách vĩ mô khác nhằm khắc phục thiệt hại và hỗ trợ phục hồi kinh tế trong đại dịch.
Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết, quyết định các khung khổ về chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, tài chính ngân sách, vay và trả nợ công, đầu tư công và kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2020-2025. Đồng thời, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV vừa qua đã ban hành Nghị quyết giao Chính phủ xây dựng và triển khai theo thẩm quyền Chương trình tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đồng thời xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, Nghị quyết của Quốc hội cũng giao Chính phủ xây dựng các gói chính sách về tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ 2 chương trình này, phục vụ cho mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19 cũng như phục hồi phát triển kinh tế để trình Quốc hội xem xét.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng thông tin, tại diễn đàn, các diễn giả, các nhà khoa học sẽ cập nhật, đánh giá những vấn đề mới nhất về tình hình phòng, chống dịch bệnh hiện nay trên toàn thế giới; phân tích, đánh giá, dự báo xu hướng và tác động của dịch bệnh, thực trạng của nền kinh tế thế giới hiện nay, xu hướng của thời gian tới-giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập rất sâu và rộng với nền kinh tế thế giới.
Đồng thời, các diễn giả sẽ chia sẻ kinh nhiệm quốc tế về phòng, chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế cũng như những gợi ý chính sách, những ý kiến đánh giá thực trạng nền kinh tế Việt Nam, những kiến nghị đề xuất cho chương trình phục hồi kinh tế xã hội, các gợi ý chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
“Một nội dung rất quan trọng nữa của diễn đàn là các đại biểu, các chuyên gia sẽ trao đổi và giải đáp câu hỏi “huy động nguồn lực từ đâu”? nhất là trong điều kiện thị trường vốn trung và dài hạn của Việt Nam còn hạn chế. Chúng ta sẽ phân bổ nguồn lực vào những mục tiêu cụ thể nào? Trên cơ cở kinh nghiệm quốc tế của Việt Nam, giải đáp được câu hỏi hấp thụ năng lực của nền kinh tế, trong điều kiện nền kinh tế còn một số điểm nghẽn, vướng mắc” - Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.