Đề xuất gói hỗ trợ phục hồi kinh tế xã hội hơn 10% GDP năm 2021
Tổng hợp các gói chính sách, gói hỗ trợ gồm: chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ, chính sách an sinh xã hội và chính sách khác khoảng 843.845 tỷ đồng, tương đương 10,38% GDP năm 2021.
Ngày 5/12, tại “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững”, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đã đại diện cho nhóm nghiên cứu của Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội và các chuyên gia đã trình bày một số gợi ý chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Điểm qua một số tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế xã hội Việt Nam 2020-2021, ông Cấn Văn Lực cho biết, tăng trưởng GDP năm 2020 ở mức 2,91%. Quý III/2021 giảm 6,17%, cả năm 2021 dự báo tăng 2%, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Gợi ý chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển, Lực cho rằng, cần bảo đảm bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước. Phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác.
“Chính sách tài khoá và tiền tệ hỗ trợ phục hồi, phát triển cần có quy mô đủ lớn, thời thời gian đủ dài, có trọng tâm, trọng điểm. Cùng với đó, cần hỗ trợ cả tổng cung và tổng cầu, khả năng khả thi và triển khai nhanh”-ông Lực cho hay.
Liên quan đến chi tiết chính sách tiền tệ, ông Lực cho biết, nhóm chuyên gia đã thảo luận, trao đổi thông tin với các bộ ngành và tính toán để đưa ra con số gợi ý. Cụ thể, gói chính sách tiền tệ sẽ có giá trị thực tế khoảng 389.200 tỷ đồng, tương đương 4,79% GDP năm 2021. Trong đó, có tới 150.000 tỷ đồng được gợi ý đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Về chính sách tiền tệ, nhóm chuyên gia gợi ý, tiếp tục thực hiện Thông tư 14, có thể phải gia hạn, nếu cần. Sử dụng công cụ nghiệp vụ thị trường mở để hỗ trợ các tổ chức tín dụng duy trì lãi suất ở mức thấp, phấn đấu giảm thêm 0,5-1% lãi suất cho vay bình quân trong năm 2022 và duy trì ổn định trong năm 2023.
Bên cạnh đó, một gợi ý được ông Lực nhắc đến là cho vay tái cấp vốn các tổ chức tín dụng để cho vay nhà ở, quy mô 65.000 tỷ đồng; và giá trị cấp bù lãi suất chênh lệch ước tính là 6.100 tỷ đồng.
Ông Lực cũng kiến nghị nghiên cứu giữ nguyên tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn. Linh hoạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 13-14% trong năm 2022-2023. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, quy định để các tổ chức tín dụng phi ngân hàng gồm cả Fintech tham gia cho vay tiêu dùng an toàn, lành mạnh, góp phần kích cầu tiêu dùng lành mạnh, đề xuất phương thức luật hóa xử lý nợ xấu.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất chính sách hỗ trợ an sinh xã hội khoảng 12.800 tỷ đồng thông qua hỗ trợ tiền thuê nhà cho lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại 4 vùng kinh tế trọng điểm; hỗ trợ đào tạo nghề. Đồng thời hỗ trợ 37.650 tỷ đồng thông qua các chính sách khác như giảm 10% tiền điện, cước, viễn thông năm 2022. Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; tài trợ các dự án nâng cấp, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.
Như vậy theo ông Lực, tổng hợp các gói chính sách, gói hỗ trợ gồm: chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ, chính sách an sinh xã hội và chính sách khác sẽ khoảng 843.845 tỷ đồng, tương đương 10,38% GDP năm 2021. Tổng giá trị thực tế sẽ chi là 445.760 tỷ đồng, chiếm 5,48% GDP.
Theo nhóm nghiên cứu, để huy động đủ nguồn lực thực hiện các chính sách cần chấp nhận thâm hụt ngân sách có thể tăng thêm 1 điểm % mỗi năm trong hai năm 2022-2023. Về nguồn lực huy động lớn nhất là từ phát hành trái phiếu Chính phủ để huy động 220.060 tỷ đồng. Tiếp đến là đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước để thu về 80.000 tỷ đồng. Sử dụng bảo hiểm tiền gửi, bảo hiểm xã hội để mua trái phiếu Chính phủ 51.100 tỷ đồng. Tiết giảm chi phí 29.200 tỷ đồng, rà soát các quỹ ngoài ngân sách 20.000 tỷ đồng; và thậm chí sử dụng một phần dự trữ ngoại hối nếu cần.
Trao đổi thêm tại phiên tọa đàm cấp cao, theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chính sách hỗ trợ phải đủ lớn có trọng tâm, trọng điểm để tạo cú hích, nếu không sẽ lãng phí trong hỗ trợ, và cần thực thi nhanh. Tổng gói hỗ trợ như ông Cấn Văn Lực thay mặt nhóm nghiên cứu đã nhắc đến ở trên.
“Như đánh giá của IMF là dư địa thì còn, còn thời gian có hay không?. Cho nên cần tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, có tính hấp thụ vốn nhanh, tạo sự lan tỏa trong nền kinh tế. Vì thế năm 2022 là giảm thiểu, còn năm 2023 thì phải kích thích”-ông Thanh nói.
Ông Thanh cũng cho rằng, chính sách phải đảm bảo dài hạn, các chính sách về mặt dài hạn phải gắn với các cân đối lớn của nền kinh tế. Về ngắn hạn chỉ tiêu có thể thay đổi nhưng dài hạn phải đảm bảo ổn định, công khai minh bạch, tránh trục lợi. Thủ tục có thể nhanh nhưng có sự kiểm tra, kiểm toán để các chính sách triển khai hiệu quả.
Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh biến chủng mới Omicron đang xuất hiện, thì mọi chính sách cần ổn định kinh tế vĩ mô về cả tài khóa cũng như tiền tệ. Việt Nam mất nhiều uy tín để xây dựng. Xây dựng mất nhiều năm nhưng đánh mất nó thì rất nhanh. Do đó, mọi chính sách cần phải ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt gói hỗ trợ cần đẩy mạnh cho đầu tư y tế và an sinh xã hội. Kịp thời và dễ tiếp cận hơn.
Về cơ hội, ông Francois Painchaud cho rằng, Việt Nam có thể phục hồi phát triển kinh tế và phục hồi nhờ vào tăng trưởng xanh, chuyển đổi nền kinh tế, số hóa và Chính phủ điện tử. Tuy nhiên cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong hiệu suất lao động gồm: quốc doanh, tư nhân và FDI thì thấy khối FDI năng suất cao, còn quốc doanh không năng suất lắm, sau đó mới đến khối tư nhân. Vì vậy Việt Nam vẫn đang đi sau trong cải thiện năng suất lao động. Cho nên vấn đề này cần khẩn trương hơn nữa trong thời gian tới.
Trong khi đó, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam cần quan tâm đẩy mạnh đầu tư cho y tế, tiêm vaccine cho người dân. Thời gian qua Việt Nam đã tiêm rất nhanh, và cần đẩy nhanh quá trình tiêm chủng trong thời gian tới, nhất là gần đây thế giới đã xuất hiện chủng mới Omicron. Muốn vậy Việt Nam phải tăng cường phối hợp giữa các nước để có vaccine, thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước, qua đó, đảm bảo sức khỏe người dân. Quản lý nợ công rất chặt chẽ, còn nhiều dư địa để vay vốn và phục hồi, cần gói phục hồi kích thích nền kinh tế trong ngắn hạn, cải cách về thuế.
Ông Andrew Jeffries cũng đề nghị cần kết nối với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á để phát triển du lịch, tạo ra việc làm, đẩy nhanh chuyển đổi số, đào tạo nghề cho doanh nghiệ nhỏ ở địa phương để góp phần nâng cao phát triển kinh tế tại Việt Nam.