Học sinh lớp 12 trở lại trường, cần chuẩn bị tâm lý ra sao?
Việc nghỉ học suốt một thời gian dài khiến không ít học sinh tỏ ra lo lắng sau khi Hà Nội có thông báo cho học sinh trở lại trường từ 6/12. Theo các chuyên gia tâm lý, phụ huynh và nhà trường cũng cần có những bước chuẩn bị tinh thần cho học sinh trước khi quay trở lại trường học.
Hoang mang chờ ngày đến trường
Mới đây, UBND TP Hà Nội quyết định cho học sinh khối THPT chính thức quay trở lại trường học từ ngày 6/12.
Đáng nói, thời điểm này cũng là lúc tình hình dịch bệnh đang trở nên vô cùng căng thẳng, số ca nhiễm Covid-19 tại thủ đô liên tục “vượt đỉnh”, trong đó có nhiều ca ngoài cộng đồng, nhiều ổ dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường.
Trưa 5/12, Sở GD&ĐT Hà Nội có công văn hỏa tốc điều chỉnh việc tổ chức dạy học trực tiếp đối với học sinh các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn các quận, huyện, thị xã của TP. Theo đó, học sinh lớp 12 sẽ học trực tiếp kết hợp trực tuyến; học sinh lớp 10, 11 tiếp tục học trực tuyến.
Việc đi học trở lại của học sinh khối 12 nói riêng và học sinh các cấp nói chung là niềm mong mỏi nhưng cũng là nỗi lo lắng của nhiều bậc phụ huynh. Theo đó, trong quá trình học online kéo dài, nhiều em đã xuất hiện những biểu hiện tâm lý bất thường, trong đó nổi lên là tình trạng mất tập trung, chán nản, không có động lực học. Nhiều học sinh cũng xa đà vào các trò chơi điện tử, nghiện game, mạng xã hội…
Chia sẻ với PV Đại Đoàn Kết Online, chị Nguyễn Thị Chung (43 tuổi, xã Sen Phương, Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết: “Nhà tôi có một cháu đang học lớp 12, trong suốt thời gian dài nghỉ dịch học online, cháu đều tỏ ra rất căng thẳng và mệt mỏi bởi thường xuyên không tiếp thu được kiến thức trên lớp. Trong khi nếu tiếp tục duy trì tình trạng này thì khó có thể đỗ Đại học theo nguyện vọng của gia đình”.
Cùng chung nỗi lo lắng, chị Hoàng Hạnh (Cầu Giấy, HN) cho hay, việc học online trong thời gian quá dài cũng làm con chị có những biểu hiện tâm lý bất thường như ngại giao tiếp, nghiện game và chểnh mảng đối với việc học.
“Thực lòng khó có thể kiểm soát con đang học hay đang chơi, trong khi bố mẹ thì đi làm cả ngày, chỉ nghe cô giáo phản ánh lại là con mình thường xuyên không làm bài tập được giao, không tập trung trong giờ học. Chưa kể học online làm các con ít có cơ hội được trao đổi trong giờ học, việc tương tác gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, các con cũng không được đi học thêm như trước đây nên kiến thức không được nâng cao để có thể đáp ứng cho kì thi Đại học”, chị Hạnh chia sẻ.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, việc đi học trực tiếp trở lại cho học sinh khối 12 kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến, phân chia xen kẽ theo ngày được đa phần phụ huynh ủng hộ trong điều kiện dịch bệnh đang bùng phát trở lại.
Tuy nhiên, chuẩn bị tâm lý cho con ra sao để việc học thật sự hiệu quả, học sinh tránh rơi vào trạng thái hoang mang, bất ổn vẫn là câu hỏi phần lớn phụ huynh thắc mắc.
Phụ huynh là điểm tựa
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) cho rằng, học sinh xuất hiện các biểu hiện khác thường về tâm lý trong thời gian quá dài học online là điều dễ hiểu.
Bởi suốt thời gian chỉ ở nhà cùng các thiết bị điện tử, ngắt kết nối với môi trường giáo dục và tương tác bạn bè, các em sẽ đối diện với những hệ luỵ nhất định. Trong đó các dấu hiệu chán nản, ngại giao tiếp, lo lắng, bất an hay giảm tương tác xã hội…là những trường hợp phổ biến.
Thậm chí nhiều trường hợp các em rơi vào trạng thái trầm cảm kéo dài…
Ngoài ra, học sinh khối THPT đang trong độ tuổi dậy thì, cả tâm sinh lý đều đang có những thay đổi nhất định nên các bất ổn tâm lý càng dễ nảy sinh. Các em dễ dàng lao vào các trò chơi điện tử, mạng xã hội để giải trí, xem các video clip với nội dung không lành mạnh trên internet.
Do vậy, để có thể cho học sinh sẵn sàng tâm thế quay trở lại trường học, vai trò lớn nhất phải kể đến là phụ huynh, sau đó đến thầy cô, nhà trường. Cần tạo cho các em tâm lý thoải mái nhất, cổ vũ tinh thần và tạo sự hưng phấn khi đi học trở lại.
Còn TS Lê Minh Công, Phó Trưởng khoa Công tác xã hội, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM nhận định, việc chuẩn bị tâm lý cho học sinh thích ứng với môi trường giáo dục khi trở lại trường học là hết sức cần thiết.
Ngoài việc tạo cho con trạng thái tích cực trước khi đến trường, phụ huynh cũng cần trang bị những kiến thức về tự bảo vệ bản thân, tuân thủ 5K theo quy định… để hướng dẫn cho con.
Đặc biệt, chính phụ huynh cũng không nên quá lo lắng bởi chúng ta đang phải học cách thích nghi và sống chung với dịch bệnh, sự ủng hộ phải đến từ phụ huynh thì mới tạo nên động lực thực sự cho con an tâm đến trường, TS Lê Minh Công khẳng định.