Đầu tư ở Nam Định: Cần thủ tục gì, gặp cơ quan nào, thời gian giải quyết?

Trần Duy Hưng 05/12/2021 16:43

Mới đây, vào ngày 30/11, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng đã ký ban hành quyết định của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư không sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Theo nội dung quyết định, UBND tỉnh Nam Định ban hành quyết định trên với 25 căn cứ; có hiệu lực kể từ ngày 15/12/2021; thay thế Quyết định số 17 năm 2018 (về việc ban hành Quy chế phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư không sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Nam Định); Quyết định số 34 năm 2016 (ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc cấp, điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư thực hiện ngoài khu công nghiệp).

Quy chế được UBND tỉnh Nam Định ban hành ngày 30/11/2021.
Quy chế được UBND tỉnh Nam Định ban hành ngày 30/11/2021.

Bản Quy chế vừa được ban hành gồm 3 chương, 30 điều, kèm theo 10 phụ lục.

Theo đó, Quy chế quy định các nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm phối hợp giữa Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp với các Sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thành phố; các tổ chức, cá nhân liên quan trong thực hiện các dự án đầu tư không sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Nam Định; không áp dụng đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Đối tượng áp dụng là Văn phòng UBND tỉnh; các Sở, ban, ngành của tỉnh; UBND cấp huyện; các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh không sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Nam Định; các tổ chức, cá nhân khác liên quan đến hoạt động xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp.

Việc yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ: Chỉ được thực hiện một lần

Ở điều 3, Quy chế quy định các nguyên tắc phối hợp. Trong đó, việc phối hợp phải đảm bảo giải quyết công việc thống nhất, đồng bộ, khách quan, chặt chẽ, kịp thời và hiệu quả theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, và phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Thủ tục hành chính đơn giản, rõ ràng, đúng pháp luật, không chồng chéo; việc yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ chỉ được thực hiện một lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ tại một cơ quan chuyên môn; nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính thống nhất và đồng bộ, lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân làm thước đo đánh giá kết quả tổ chức và hoạt động của từng đơn vị.

Những vướng mắc phát sinh trong quá trình phối hợp (nếu có) phải được thống nhất giải quyết theo đúng quy định. Đối với những nội dung chưa thống nhất hoặc vượt quá thẩm quyền thì Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp có trách nhiệm tổng hợp, đề xuất hướng giải quyết và báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Công khai các thủ tục hành chính; mức thu phí, lệ phí (nếu có), các giấy tờ, hồ sơ và thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

Quy chế cũng quy định cụ thể cơ chế và phương thức phối hợp tiếp nhận hồ sơ và giải quyết các thủ tục hành chính, trong đó quy định cụ thể 7 cơ chế phối hợp (điều 4) và quy định thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư (điều 5)

Các phụ lục của quy chế mô tả cụ thể các bước quy trình, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, cơ quan chịu trách nhiệm.
Các phụ lục của quy chế mô tả cụ thể các bước quy trình, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, cơ quan chịu trách nhiệm.

Rõ thủ tục, rõ quy trình, rõ thời gian, rõ trách nhiệm

Trong Chương 2 (gồm 10 điều, từ điều 6 đến điều 15), Quy chế quy định về trách nhiệm phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính đối với nhà đầu tư. Bảo gồm:

-Thủ tục chấp thuận nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư phi nông nghiệp

-Thủ tục Chấp thuận chủ trương đầu tư; Cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Điều chỉnh dự án đầu tư

-Đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp đối với nhà đầu tư nước ngoài

-Quyết định thành lập khu công nghiệp, khu công nghiệp mở rộng; Thành lập, mở rộng cụm công nghiệp

-Chấp thuận tổng mặt bằng dự án đầu tư lần đầu; Cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn giấy phép xây dựng; Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở

-Thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy

-Đăng ký, thẩm định, phê duyệt hồ sơ về môi trường

-Chuyển mục đích sử dụng đất; Giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Gia hạn sử dụng đất

-Cấp, gia hạn, điều chỉnh giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi

-Thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu

Các bước thực hiện trách nhiệm phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính trên được quy định chi tiết tại 10 phụ lục tương ứng.

Đơn cử, trong Phụ lục số 1, về các bước thực hiện chấp thuận nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư phi nông nghiệp, Quy chế quy định tổng thời gian giải quyết là 15 ngày, với 5 bước thực hiện.

Trong đó, bước 1: Nhà đầu tư nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư phi nông nghiệp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp (thành phần hồ sơ gồm: văn bản đề nghị; trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo bản đồ địa chính hoặc đo đạc chỉnh lý địa, số lượng 02 bộ hồ sơ).

Bước 2: Trung tâm gửi hồ sơ đến Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng chuyên môn thuộc Văn phòng UBND tỉnh (thành phần hồ sơ là hồ sơ kèm theo), thời gian thực hiện 1 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ

Bước 3: Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, có văn bản trình UBND tỉnh chấp thuận, đồng thời gửi Trung tâm (thành phần hồ sơ là Văn bản trình gửi UBND tỉnh xem xét, chấp thuận nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư phi nông nghiệp), thời gian thực hiện 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Bước 4: Trung tâm phối hợp với Phòng Nông, Lâm, Ngư nghiệp và Tài nguyên môi trường tổng hợp báo cáo Lãnh đạo UBND tỉnh xem xét, quyết định (thành phần hồ sơ là Văn bản chấp thuận nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư phi nông nghiệp), thời gian thực hiện là 4 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Bước 5: Trung tâm trả kết quả cho nhà đầu tư (thành phần hồ sơ là Văn bản chấp thuận nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư phi nông nghiệp).

Đặc biệt, trong Chương 3 (13 điều, từ điều 16 đến đều 28), Quy chế quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư và các Sở, cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện trong việc phối hợp tổ chức thực hiện.

Cầu Thịnh Long, bắc qua sông Ninh Cơ, nằm trên tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn tỉnh Nam Định.
Cầu Thịnh Long, bắc qua sông Ninh Cơ, nằm trên tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn tỉnh Nam Định.

Sách nhiễu, gây khó khăn, cản trở, vi phạm quy chế: Sẽ bị xử lý

Về khen thưởng, kỷ luật, ở điều 29, Quy chế nêu rõ: Các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt Quy chế này hoặc có sáng kiến trong tổ chức thực hiện nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho nhà đầu tư và hiệu quả trong điều hành, quản lý nhà nước được khen thưởng theo quy định.

Các cơ quan nhà nước để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có hành vi sách nhiễu, cố tình gây khó khăn cho nhà đầu tư hoặc cản trở việc phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan; vi phạm các quy định tại Quy chế này thì Thủ trưởng cơ quan phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh. Các cá nhân, đơn vị vi phạm, tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Hiện quyết định ban hành và nội dung quy chế đã được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Nam Định.

Hướng tới mục tiêu thu hút, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư

Được biết, thời gian qua tỉnh Nam Định đã và đang chuẩn bị các điều kiện quan trọng, cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào tỉnh.

Trong đó, tỉnh đã và đang triển khai lập Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo các quy hoạch chung đã được phê duyệt.

Hoàn thành và đang triển khai mới nhiều dự án giao thông trọng điểm nhằm tăng cường khả năng kết nối. Trong đó, tỉnh đã hoàn thành dự án Đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình (Giai đoạn I); Tỉnh lộ 487B. Cơ bản hoàn thành dự án xây dựng đường trục trung tâm phía Nam TP Nam Định; đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; Tỉnh lộ 485B, 488B; 488C, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển; triển khai thủ tục đầu tư các dự án Xây dựng cầu qua sông Đào; Xây dựng đường trục phía Nam TP Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B).

Phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải thực hiện dự án Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ; hoàn thành công tác GPMB xây dựng cầu Bến Mới; thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng cầu Đống Cao…

Ngày 25/11 vừa qua, Khu Công nghiệp Mỹ Thuận, rộng hơn 150 ha, nằm ven đại lộ Thiên Trường, nối Hà Hà-Nam Định đã được nhà đầu tư hạ tầng Công ty Cổ phần xây dựng hạ tầng Đại Phong khởi công xây dựng. Ảnh Trần Quang Phương.
Ngày 25/11 vừa qua, Khu Công nghiệp Mỹ Thuận, rộng hơn 150 ha, nằm ven đại lộ Thiên Trường, nối Hà Hà-Nam Định đã được nhà đầu tư hạ tầng Công ty Cổ phần xây dựng hạ tầng Đại Phong khởi công xây dựng. Ảnh Trần Quang Phương.

Ngoài các Khu, Cụm công nghiệp có trước, tỉnh đã và đang tập trung hoàn thành các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, cho thuê đất và khởi công xây dựng hạ tầng KCN Mỹ Thuận (mới khởi công ngày 25/11); Cụm công nghiệp Thanh Côi (huyện Vụ Bản); Cụm công nghiệp Yên Bằng (huyện Ý Yên). Hoàn thiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư mở rộng KCN Bảo Minh. Triển khai các thủ tục đầu tư Cụm công nghiệp Giao Thiện, Cụm công nghiệp Giao Yến (huyện Giao Thủy).

Trong năm 2021, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 75 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 74.000 tỷ đồng và 62 triệu USD, trong đó vốn đầu tư trong nước gấp 4,5 lần cả giai đoạn 2016-2020; với một số dự án lớn như: dự án Nhà máy gang thép số 1 Xuân Thiện có tổng vốn đầu tư 66.000 tỷ đồng; dự án Nhà máy cán thép Xuân Thiện Nghĩa Hưng có tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Mỹ Thuận có tổng vốn đầu tư 1.621 tỷ đồng. Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 11.000 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký hoạt động.

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng, cùng với các điều kiện về quy hoạch, hạ tầng kết nối, quỹ đất đủ lớn trong các Khu, Cụm công nghiệp; Công tác cải cách hành chính luôn được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược.

Trong năm 2021, đã ban hành mới 614 thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung 260 thủ tục hành chính, bãi bỏ 348 thủ tục hành chính; 100% thủ tục hành chính ban hành mới, sửa đổi, bổ sung đều được công khai kịp thời và liên thông với cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính quốc gia; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 và kết nối liên thông trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020 đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố, tăng 04 bậc so với năm 2019, nằm trong nhóm cao nhất cả nước; Chỉ số đánh giá chuyển đổi số năm 2020 của tỉnh đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố.

Đặc biệt, với bản Quy chế về phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư không sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh mới được ban hành, sẽ giúp các cơ quan trong hệ thống chính quyền tỉnh phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính, phục vụ các nhà đầu tư theo hướng rõ quy trình, rõ việc việc, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, qua đó đảm bảo đúng pháp luật, nhanh gọn, hiệu quả, tránh chồng chéo.

Đối với các nhà đầu tư, Quy chế trên sẽ giúp họ không “bị rối”, chỉ cần tham khảo sẽ biết khi thực hiện các dự án đầu tư họ có trách nhiệm gì, phải chuẩn bị các thủ tục nào, cấp nào, cơ quan nào giải quyết, giải quyết trong bao lâu?

Trần Duy Hưng