Nhân viên ngân hàng chèo kéo khách mua bảo hiểm: Xử lý nghiêm
Khách hàng mua bảo hiểm sẽ được giải ngân nhanh, nhanh chóng tăng tích lũy…đó là những lời chèo kéo của nhân viên ngân hàng dành cho khách đến vay vốn. Dù Ngân hàng nhà nước cũng như Bộ Tài chính đã lên tiếng chấn chỉnh, nhưng hiện tượng này vẫn diễn ra phổ biến.
Bộ Tài chính cảnh cáo
Bộ Tài chính vừa phát đi thông báo chấn chỉnh hoạt động chèo kéo khách hàng mua bảo hiểm. Theo khẳng định của cơ quan này, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã có các quy định nhằm bảo đảm việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, nghiêm cấm việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm ép buộc khách hàng giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Bộ Tài chính cho biết, sau khi nhận được thông tin một số ngân hàng, tổ chức tín dụng có biểu hiện “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đã ký với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật khác có liên quan.
Trường hợp phát hiện có vi phạm quy định về hoạt động đại lý cần có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời theo quy định tại hợp đồng đại lý bảo hiểm và quy định pháp luật có liên quan.
Bộ Tài chính cũng có văn bản gửi các tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, yêu cầu rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, xử lý nghiêm những trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm khi cấp tín dụng cho khách hàng (nếu có).
Đã không dưới hai lần, Bộ Tài chính siết chặt các quy định về chào mua bảo hiểm, song hiện tượng bán “bia kèm lạc” này của nhiều ngân hàng từ đầu năm đến nay vẫn diễn ra nhộn nhịp.
Anh Nguyễn V.D. (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, đang có nhu cầu mua nhà chung cư, anh đã đến làm thủ tục vay vốn mua nhà tại ngân hàng B. Với khoản vay 1 tỷ đồng trong 10 năm, anh D. được nhân viên tư vấn là phải mua thêm gói bảo hiểm cho người vay vốn với giá trị rẻ nhất là gần 1,3 triệu đồng cho năm đầu tiên, những năm sau thì có thể lựa chọn mua hoặc không mua.
Anh D. chia sẻ, ngân hàng yêu cầu phải mua gói bảo hiểm này thì mới đồng ý giải ngân cho vay, với lý do đây là gói bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng, nếu khách hàng có “mệnh hệ” gì thì sẽ có bảo hiểm đứng ra trả khoản vay cho ngân hàng.
Còn theo phản ánh của anh N.T.V. (phố Yên Phụ, Hà Nội), tháng 11/2021 anh đến chi nhánh ngân hàng A trên phố Hoàng Đạo Thúy, quận Cầu Giấy, Hà Nội để vay 600 triệu đồng mua ô tô. Tuy nhiên, để tiếp cận được khoản vay, anh V. được mời mua gói bảo hiểm nhân thọ 20 triệu đồng với lời hứa sẽ giải ngân vốn vay nhanh.
“Do cả gia đình đã mua đầy đủ bảo hiểm nên tôi từ chối. Tuy nhiên nhân viên ngân hàng thuyết phục “mua thêm để tích lũy”; đồng thời khẳng định sẽ được lãnh đạo ngân hàng duyệt hồ sơ nhanh nếu tham gia gói bảo hiểm”, anh N.T.V kể.
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, việc kết hợp bán bảo hiểm giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm thời gian qua khá hiệu quả. Thông qua đó, ngân hàng mang về khoản lợi nhuận khả quan cũng như giúp nhân viên có thêm thu nhập; đồng thời giúp ngành bảo hiểm ngày càng phát triển. Vì lợi nhuận từ mảng kinh doanh bảo hiểm khá lớn nên nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh mảng kinh doanh này.
“Họ giao chỉ tiêu kinh doanh kèm theo hợp đồng bảo hiểm, tức là một năm, cán bộ phải đem về bao nhiêu tài khoản, bao nhiêu hợp đồng bảo hiểm? Điều này tạo ra áp lực cho cán bộ ngân hàng. Khi bị áp lực, các cán bộ ngân hàng đã tìm mọi cách để bán bảo hiểm và vô tình đẩy khách hàng vay vốn ở thế khó khăn”, ông Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Mảng thu lợi của ngân hàng
Theo tìm hiểu của PV, tỷ lệ chiết khấu phí bảo hiểm nhân thọ khách hàng đóng trong năm đầu tiên cho các ngân hàng rất cao, có ngân hàng được hưởng đến 50%. Chính vì thế, việc hợp tác giữa ngân hàng với bảo hiểm ngày càng được nhiều ngân hàng đẩy mạnh. Thời gian qua, đã có ngân hàng ký kết hợp đồng hợp tác độc quyền với các công ty bảo hiểm. Báo cáo tài chính quý III năm 2021 của nhiều ngân hàng cũng cho biết trong mảng dịch vụ, cụ thể ở mảng hợp tác bảo hiểm thu lợi hàng trăm tỷ đồng.
Giới chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc ngân hàng đa dạng hóa nguồn thu, đẩy mạnh bán bảo hiểm là rất tích cực, nhằm giảm phụ thuộc vào tín dụng. Tuy nhiên, theo phản ánh của các khách hàng, hoa hồng béo bở từ bảo hiểm khiến nhiều ngân hàng đang có hiện tượng ép khách hàng mua bảo hiểm mới được giải ngân vốn.
Giới luật sư cho rằng, hoa hồng bảo hiểm quá cao khiến nhân viên ngân hàng tìm mọi cách để khách hàng ký hợp đồng. Trong quá trình tư vấn, nhiều nhân viên ngân hàng cũng không phân tích rõ ràng, minh bạch cho khách hàng, dẫn tới hiện tượng khách hàng đóng tiền 1 năm, sau đó bỏ hợp đồng.
Nếu tình trạng này xảy ra, thì không chỉ khách hàng, mà cả ngân hàng cũng bị thiệt. Vì vậy, để bảo hiểm nhắm tới nhu cầu thực của khách hàng, giảm bớt tình trạng ép khách mua bảo hiểm, Bộ Tài chính cần đưa ra quy định giảm hoa hồng bảo hiểm, góp phần giúp thị trường lành mạnh hơn.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo nhiều ngân hàng TMCP khẳng định không ép khách hàng mua bảo hiểm, mà chỉ khuyến khích tham gia bảo hiểm. Thế nhưng, các ngân hàng này lại áp chỉ tiêu bán bảo hiểm cho từng nhân viên, vì vậy hiện tượng ép mua bảo hiểm vẫn diễn ra phổ biến.