Nam Phi trong ‘bão’ Omicron
Trong khi thế giới đang hết sức lo ngại về biến chủng mới Omicron gây bệnh Covid-19, cùng với những nghi vấn về độc lực của chúng, thì tại Nam Phi, nơi ghi nhận trường hợp đầu tiên nghi nhiễm, tình hình đang rất phức tạp. Nhà virus học hàng đầu Nam Phi Tulio de Oliveira gọi đợt lây nhiễm này là rất đáng sợ.
Trong vòng hai tuần, biến thể Omicron đã đưa Nam Phi từ giai đoạn lây nhiễm thấp tới chỗ số ca mắc mới tăng vọt. Chỉ 1 ngày tiến hành lấy 42.664 mẫu để xét nghiệm nước này đã phát hiện 4.473 ca mắc mới, tăng 92% so với ngày trước đó.
Áp lực lên hệ thống y tế
“Đây là một thực tế rất đáng lo ngại. Nam Phi cũng như toàn châu lục từng được coi là “sống sót” trước sự tấn công ghê gớm của biến chủng Delta, với cả số người mắc lẫn số ca tử vong thấp nhất thế giới. Tuy nhiên, khi chủng Omicron xuất hiện, song hành cùng chủng Delta thì vấn đề lại rất khác. Cho tới thời điểm hiện tại có thể thấy đa số người phải nhập viện vì biến thể Omicron đều chưa tiêm vaccine. Trong khi đó tỷ lệ đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại châu Phi thấp nhất thế giới” - Giáo sư Tulio de Oliveira bày tỏ lo lắng, khi mà trong số hơn 60 triệu người dân Nam Phi thì chỉ 24% đã tiêm chủng.
Hiện, số ca mắc mới do biến chủng Omicron tại Nam Phi tập trung ở tỉnh Gauteng, đặc biệt là ở thành phố Pretoria.
Cho dù chính quyền kêu gọi người dân bình tĩnh trước biến thể mới, đồng thời thúc giục giới khoa học sớm đưa ra kết luận về độc lực của biến thể mới này, nhưng điều đó cũng không làm dịu được tình hình. Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ vẫn áp đặt hạn chế người đến từ Nam Phi, trong khi đó Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng khuyến nghị các nước cảnh giác nhưng hãy bình tĩnh.
Trong khi còn những ý kiến khác nhau về biến chủng Omicron, thì tiến sĩ Salim Abdool Karim - chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Nam Phi, đã lên tiếng cảnh báo số ca mắc Covid-19 ở nước này có thể tăng gấp 3 lần chỉ trong 1 tuần do sự lây lan của biến thể Omicron. Như vậy, quốc gia này sẽ sớm có tới trên 10.000 ca nhiễm mới mỗi ngày và sẽ rất sớm hệ thống y tế sẽ phải đối mặt với áp lực lớn.
Tuy nhiên, tiến sĩ Karim cũng trấn an mọi người rằng các loại vaccine ngừa Covid-19 lưu hành hiện nay có thể có hiệu quả ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh nặng và nhập viện do nhiễm biến thể Omicron. Ông cho hay hiện còn quá sớm để khẳng định liệu những người nhiễm Omicron có các triệu chứng lâm sàng nặng hơn so với người nhiễm các biến thể trước đó.
Điều này được tiến sĩ Waasila Jassat tại Viện Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm quốc gia Nam Phi ủng hộ. Bà Jassat nói: “Chúng tôi đang thu thập thông tin về tất cả các ca nhập viện vì Covid-19. Tuy nhiên, những gì có được cho thấy biến chủng Omicron đã không “lẩn trốn” được những loại vaccine đã được WHO phê duyệt dùng trong trường hợp khẩn cấp”.
Trẻ em dễ bị Omicron tấn công?
Ở một góc nhìn khác, không ít nhà khoa học Nam Phi bày tỏ lo lắng khi mà họ cho rằng chỉ 2 tuần biến thể mới Omicron đã làm một điều mà Delta mất vài tháng. Và đó là chỉ số bất thường.
Thông tin từ Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm Nam Phi cho biết, mới đây đã ghi nhận số trẻ em dưới 2 tuổi nhập viện cao bất thường quanh thủ đô Pretoria, nơi đầu tiên ghi nhận tình trạng ca bệnh gia tăng. Trước đó, người ta nhận thấy biến chủng Omicron tấn công nhiều vào những người từ 13 đến 25 tuổi, nhưng trẻ em từ 2 đến 5 tuổi không ghi nhận trường hợp nào. Vì thế, đây là vấn đề đáng lo ngại.
Theo tiến sĩ Waasila Jassat, dữ liệu này cung cấp một cái nhìn sơ lược ban đầu về sự khác biệt giữa tình trạng bệnh mà Omicron gây ra cho cơ thể người so với các biến chủng khác. Chưa rõ Omicron sẽ gây ra các ca Covid-19 nhẹ hơn hay nghiêm trọng hơn so với các biến thể khác, song nếu nó tấn công vào trẻ em thì sẽ gây ra áp lực lớn hơn đối với xã hội.
Trong khi đó, tiến sĩ Soumya Swaminathan, Trưởng nhóm khoa học của WHO, cho biết vaccine có khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng ở các biến chủng khác. Tuyên bố này của đại diện WHO phần nào khiến dư luận bớt lo lắng khi mà số ca nhiễm mới do Omicron tiếp tục tăng và cũng chưa có kết luận rõ ràng về tác hại do chúng gây ra.
Còn theo bà Maria van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO thì cho tới thời điểm này có thể thấy biến chủng Omicron dễ lây truyền hơn các chủng virus trước đó nhưng chưa thể khẳng định mức độ nghiêm trọng của nó. Kể cả việc Omicron tấn công trẻ em thì cũng là vấn đề cần được xem xét kỹ hơn.
Các nước thành viên của WHO đã đạt được nhất trí về hành động quan trọng nhằm đối phó với Covid-19 và những đại dịch toàn cầu khác có thể xảy ra trong tương lai, khi thông qua nghị quyết thành lập cơ quan đàm phán liên chính phủ nhằm thảo luận và xây dựng một hiệp ước toàn cầu để ngăn ngừa, đối phó với đại dịch.
Trong bài phát biểu bế mạc phiên họp kéo dài 3 ngày tại Thụy Sĩ, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: “Việc tất cả các nước thành viên nhất trí xây dựng một một hiệp ước toàn cầu nhằm đối phó với đại dịch là điều đáng mừng. Hiệp ước này đem đến niềm tin và sự hy vọng mà tất cả chúng ta đang cần”.