Núi lửa bất ngờ ‘thức giấc’ ở Indonesia
Semeru – ngọn núi lửa cao nhất đảo Java đã bất ngờ phun trào với độ cao hơn 3.600 m hôm 5/12, đe dọa cuộc sống của hàng nghìn cư dân.
Núi lửa Semeru bất ngờ ‘thức giấc’
Semeru là ngọn núi lửa cao nhất đảo Java thuộc Indonesia với độ cao hơn 3.600 m, bất ngờ phun trào vào chiều ngày 5/12, bắn lên không trung một cột tro bụi hình nấm khổng lồ. Tro bụi trút xuống ít nhất 11 ngôi làng xung quanh, bao gồm cả hai ngôi làng Pronojiwo và Candipuro, khiến hàng nghìn người dân phải rời bỏ nhà cửa. Bên cạnh đó, dòng dung nham đã phá hủy một cây cầu chiến lược nối hai khu vực ở quận Lumajang gần đó với thành phố Malang.
Núi lửa phun trào kèm theo mưa đã khiến hình thành một lớp bùn dày gồm dung nham và tro bụi. Semeru từ lâu vẫn được Indonesia đặt ở mức báo động cao thứ hai kể từ đợt phun trào khủng khiếp vào tháng 12/2020 buộc hàng nghìn người dân nơi đây phải tháo chạy.
Một số cư dân quận Lumajang bất bình khi cho rằng các nhà chức trách đã không cảnh báo họ về hoạt động của núi lửa. “Đột nhiên mọi thứ trở nên tối sầm, buổi sáng đột nhiên biến thành màn đêm”. Ông Fatmah, một người dân sống ở Curah Kobokan, khu vực cách miệng núi lửa khoảng 5 km kể lại. "Đó là một vụ phun trào núi lửa lớn hơn nhiều so với những vụ tôi từng được chứng kiến”.
Nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi các mảng kiến tạo va chạm tạo ra nhiều vụ động đất và phun trào núi lửa, Indonesia – một quần đảo với hơn 270 triệu dân có đến 130 núi lửa đang hoạt động. Năm 2018, một ngọn núi nằm giữa đảo Java và Sumatra bùng nổ đã gây lở đất, sóng thần giết chết hơn 400 người.
Cứu hộ gặp nhiều khó khăn
Sáng 6/12, Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB) đã xác nhận con số thương vong tăng mạnh chỉ 1 ngày sau khi núi lửa Semeru trên đảo Java phun trào. “Số người tử vong hiện nay đã lên tới 13 người. Các nhân viên cứu hộ đã tìm thấy thêm nhiều thi thể", Abdul Muhari, người phát ngôn của BNPB cho biết. Ngoài ra, tổng cộng gần 100 người bị thương, trong đó có 57 người phải nhập viện và 16 người đang trong tình trạng nguy kịch do vết thương nặng.
Ông Muhari nhấn mạnh lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm 9 cư dân và những người khai thác cát dọc theo con sông ở làng Curah Kobokan, những người đã được thông báo mất tích sau vụ phun trào.
Một số người hiện vẫn đang mắc kẹt ở những khu vực mà lực lượng cứu hộ không thể tiếp cận vì lượng tro bụi dày đặc. AirNav Indonesia - cơ quan kiểm soát không phận Indonesia đã cảnh báo các hãng hàng không về cột tro bụi núi lửa cao tới 15.000 m.
Thời tiết xấu tại khu vực cũng đã cản trở rất lớn cho công tác cứu hộ và nỗ lực tìm kiếm người dân gặp nạn. Tại khu vực Sumberwuluh, nơi hai chiếc xe tải bị tro núi lửa vùi lấp một nửa, các nỗ lực khôi phục đã bị đình trệ đột ngột vì gió mạnh.
Theo Hãng thông tấn CNN tại Indonesia, một nhóm chữa trị chấn thương cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi vụ phun trào đã được cử đi, trong khi hàng trăm gói viện trợ, bao gồm gạo, chăn, quần áo và các nhu yếu phẩm khác đã được gửi đến khu vực này.
Hơn 1.300 dân làng đã đến những nơi trú ẩn khẩn cấp tạm thời sau vụ phun trào mạnh mẽ hôm 4/12, nhưng nhiều người dân khác vẫn bất chấp những lời cảnh báo chính thức và chọn ở lại nhà của họ, nói rằng họ phải chăm sóc gia súc và bảo vệ tài sản của mình.