Cổ động viên Việt phẫn nộ khi không thể nghe Quốc ca vì lý do ‘bản quyền’
Những bức xúc liên quan đến bản quyền tác giả ca khúc dường như đã bị đẩy lên đỉnh điểm, khi hàng triệu người hâm mộ Việt Nam không thể nghe thấy lời bài hát Quốc ca trong phần mở đầu trận Việt Nam – Lào tại AFF Cup. Nhiều ý kiến cho rằng, đây chính là hậu quả của việc đánh bản quyền.
19h30 tối ngày 6/12, Đội tuyển Việt Nam chính thức bước vào hành trình bảo vệ ngôi vương AFF Cup với trận đấu gặp Lào trên sân Bishan (Singapore). Hàng triệu người hâm mộ bóng đá trong nước đã háo hức dõi theo trận đấu trên các phương tiện truyền thông như truyền hình, nền tảng số YouTube, mạng xã hội...
Tuy nhiên, trong phần hát Quốc ca mở đầu trận đấu, khán giả theo dõi trên kênh YouTube không nghe được lời hát Quốc ca với lý do "bản quyền".
Theo đó, trên màn hình trận đấu hiện dòng thông báo: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong khán giả thông cảm".
Thông tin này đã khiến không ít khán giả bất bình bởi ngay chính Quốc ca của nước mình cũng không được nghe.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, cộng đồng mạng hiện đang tràn vào fanpage của BH Media để lên án. Đa số đều tỏ rõ sự bức xúc khi một ca khúc Quốc ca bị đánh bản quyền vô lý. Thậm chí có người còn khẳng định việc làm này đã làm xấu hình ảnh nước nhà trong mắt bạn bè quốc tế.
Đây không phải sự việc mới diễn ra. Hồi giữa tháng 11, dư luận từng bức xúc khi ca khúc "Tiến quân ca – Quốc ca" bị vướng vấn đề bản quyền dù tác giả, cố nghệ sĩ Văn Cao, đã hiến tặng cho Nhân dân và Tổ quốc Việt Nam vào năm 2006.
Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ là cơ quan chủ quản quản lý, có trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị ca khúc này. Những ai muốn làm các sản phẩm âm nhạc liên quan đến "Tiến quân ca" đều phải xin phép cơ quan giữ quyền tác giả tác phẩm.
Tuy vậy, có một bản ghi âm ca khúc "Tiến quân ca" lưu hành trên YouTube và bị một đơn vị truyền thông khiếu nại về bản quyền khiến dư luận xôn xao. Cụ thể, "Tiến quân ca" khi đăng tải lên YouTube bị BH Media xác nhận sở hữu và nhận bản quyền”.
Sau khi bị lên án, BH Media cho biết, họ không nhận sở hữu bản quyền ca khúc "Tiến quân ca" mà được Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý và khai thác một bản ghi "Tiến quân ca" trên nền tảng số. Bản ghi này do Hồ Gươm Audio sản xuất.
Theo BH Media, Hồ Gươm Audio là chủ sở hữu của bản ghi nói trên. Nếu tài khoản nào đăng video sử dụng chính xác bản ghi "Tiến quân ca" do Hồ Gươm Audio sản xuất thì YouTube gửi thư thông báo xác nhận bản quyền và tiến hành gỡ video.
Dù đơn vị này đã lên tiếng giải thích sự việc nhưng càng khiến dư luận thêm tranh cãi và khó chấp nhận dù đó là bất kỳ lý do nào.
Chưa rõ bản "Tiến quân ca" được phát tại AFF Cup có trùng khớp với bản ghi của Hồ Gươm Audio hay không để Next Media phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ trên nền tảng YouTube. Nếu theo dõi trận đấu trên sóng truyền hình, CĐV vẫn có thể nghe rõ ca khúc của cố nhạc sĩ Văn Cao.
"Content ID" là công cụ để chủ sở hữu bảo vệ bản quyền sản phẩm của mình và thu tiền quảng cáo từ YouTube, hệ thống này cho phép chủ sở hữu bản quyền phát hiện ra những video trên YouTube có chứa nội dung thuộc quyền sở hữu của họ.