Nan giải bài toán môi trường tại làng nghề đá
Vật liệu xây dựng gây bụi, xả thải trực tiếp ra môi trường, xe vận tải không đảm bảo an toàn, băm vằm đường sá… là những hệ lụy trong quá trình khai thác, chế biến, vận chuyển tại làng nghề đá Yên Lâm, huyện Yên Định (Thanh Hóa). Dù thực trạng trên đã diễn ra trong suốt hơn 10 năm, tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có lời giải cho bài toán môi trường tại làng nghề này.
Ô nhiễm trầm trọng
Tìm hiểu được biết, làng nghề đá Yên Lâm được xem là “vựa đá” của xứ Thanh. Hiện có khoảng gần 40 doanh nghiệp khai thác, chế biến đá, vật liệu xây dựng hoạt động trên địa bàn. Nằm ven tỉnh lộ 518C, con đường dẫn vào khu khai thác, chế biến đá, vật liệu xây dựng thuộc địa bàn thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định bê bết bột đá, bụi bẩn. Theo quan sát, nguồn nguyên liệu phục vụ cho việc chế biến đá được các doanh nghiệp tận dụng từ nguồn tài nguyên có sẵn của vùng núi đá vôi Yên Lâm. Đá được lấy từ núi rồi chở bằng ô tô tải về các xưởng chế biến.
Trong quá trình di chuyển, hàng trăm lượt xe quá khổ, quá tải chở đá đã “oanh tạc” nhiều tuyến đường, làm xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà, sụt lún tại nhiều điểm. Nguy hiểm hơn, nhiều xe tải chở đá không có nắp thùng phía sau, khiến những phiến đá lớn có thể rơi ra, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông bất cứ lúc nào. Qua quan sát, nhiều công ty, doanh nghiệp khai thác và chế biến đá trong khu vực làng nghề đá Yên Lâm chưa có bể lắng đọng theo đúng quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT). Các bể chứa ở đây được xây dựng tạm bợ, khi bụi đá lắng xuống đầy hồ các cơ sở sẽ cho người múc đi đổ đến nơi khác hoặc xả thẳng ra môi trường khiến nước thải ngấm trực tiếp xuống lòng đất. Bụi đá bay ra từ các máy nghiền và xe chở đá chạy dọc đường. Cảm nhận rõ nhất là toàn làng nghề bụi đá bay mờ mịt, phủ lên từng mái nhà, ngọn cây, từng mét đường.
Khó xử lý dứt điểm
Ông Bùi Văn Nghĩa, 71 tuổi - người dân trú tại tổ dân phố Phúc Trí cho biết: Hiện tại, phần lớn người dân tại thị trấn Yên Lâm đều phải sử dụng máy lọc nước vì nguồn nước ngầm tại đây đã bị ô nhiễm nặng do nước thải trong quá trình chế biến đá xả ra môi trường. “Tình trạng ô nhiễm không khí do bụi đá và nước thải đã diễn ra trong hàng chục năm nay rồi. Để hạn chế bớt bụi, gia đình tôi phải phun nước xung quanh nhà 2 lần mỗi ngày. Gia đình tôi phải mua máy lọc nước để lọc vì nước thải đã ngấm vào lòng đất xung quanh khu vực. Còn về tiếng ồn phát ra từ các xưởng chế tác đá thì gia đình tôi cũng như hàng trăm hộ dân ở đây sống chung lâu nay nên cũng quen, thích ứng” - ông Nghĩa bày tỏ.
Đến tổ dân phố Đông Sơn, nơi tập trung hàng chục công ty đang khai thác và chế biến đá hiện nay, chỉ nhắc đến sự ô nhiễm là người dân nơi đây đã bức xúc. “Trời mưa thì nhão nhoẹt, trời nắng thì bụi bay không nhìn được đường đi, lối lại. Sống ở vùng núi mà chỉ suốt ngày nghe tiếng khoan, tiếng mìn, tiếng đục đẽo và ô tô gầm rú. Khổ lắm nhưng kêu mãi không thấu” - một người dân chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hồng Phong, Chủ tịch UBND thị trấn Yên Lâm thì việc các mỏ đá cùng các cơ sở chế biến đá tại làng nghề gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh là hoàn toàn chính xác. “Hồi đầu năm, Bộ TNMT cũng về kiểm tra, trong năm, Sở TNMT, Phòng TNMT và UBND thị trấn cũng liên tục tiến hành kiểm tra việc chấp hành bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đã là làng nghề, mà đặc biệt lại chế biến đá nữa thì rất khó đảm bảo được vấn đề môi trường. Để hạn chế ảnh hưởng đến mức thấp nhất, thị trấn cũng yêu cầu doanh nghiệp phun nước trong quá trình khai thác, sản xuất đá. Đối với việc xe tải chạy gây bụi, thị trấn cũng tổ chức thuê xe tưới nước nhiều lần trong ngày, nhờ đó cũng đã hạn chế được phần nào ô nhiễm” - ông Phong bày tỏ.
Về phương án dài hạn để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường, ông Phong cho biết: Hiện tại, thị trấn đang xây dựng đề án bảo vệ môi trường giai đoạn từ năm 2021-2025, tới đây sẽ yêu cầu doanh nghiệp và các hộ dân đóng góp tiền xử lý bụi bẩn, rác thải. Hiện tại, chỉ còn chờ HĐND thị trấn thông qua đề án và báo cáo huyện là sẽ triển khai ngay lập tức” - ông Phong thông tin thêm.