Thế giới ‘bắt tay nhau’ chống dịch
Cuối cùng thì các nước thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã đạt được nhất trí về hành động quan trọng nhằm đối phó với Covid-19 và những đại dịch toàn cầu khác có thể xảy ra trong tương lai. Thông tin này càng được chú ý khi mà chiến lược cung cấp vaccine cho các nước nghèo cũng như biến thể mới Omicron vẫn tiếp tục nóng lên trên phạm vi toàn cầu.
Một nghị quyết thành lập cơ quan đàm phán liên chính phủ nhằm thảo luận và xây dựng một hiệp ước toàn cầu để ngăn ngừa, đối phó với đại dịch, đã được 194 nước thành viên của WHO thông qua. Giới quan sát quốc tế cho rằng, đây sẽ là bước ngoặt quan trọng dẫn đến những cải cách y tế sâu rộng toàn cầu, không chỉ để ứng phó với Covid-19 mà là ứng phó với dịch bệnh nói chung.
Quyết định trên được đưa ra vào ngày cuối cùng trong phiên họp kéo dài 3 ngày của WHO ở Thụy Sĩ. Trong phát biểu bế mạc, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng thế giới nên “ăn mừng” vì sự kiện này.
“Việc tất cả các nước thành viên nhất trí xây dựng một một hiệp ước toàn cầu nhằm đối phó với đại dịch là điều đáng mừng. Hiệp ước này đem đến niềm tin và sự hy vọng mà tất cả chúng ta đang cần. Vẫn còn nhiều thách thức phía trước, nhưng chúng ta đang chứng minh cho nhau và cho thế giới thấy rằng tất cả sự khác biệt đều có thể được giải quyết vì lợi ích chung” - ông Tedros nói và nhấn mạnh hiệp ước đó sẽ giải quyết về cơ bản những điểm yếu trong hệ thống y tế toàn cầu, bên cạnh đó sẽ tăng cường sự hợp tác để cùng nhau đối phó với đại dịch. Hiệp ước đi vào vận hành sẽ bao gồm các vấn đề quan trọng như phân phối vaccine, vật tư y tế, chia sẻ và minh bạch dữ liệu về dịch bệnh.
Các bên đã nhất trí vào tháng 3/2022 sẽ tổ chức một cuộc họp liên chính phủ về vấn đề này, khi mà “thế giới đang mong manh đến mức nào trong đại dịch Covid-19” - nhận xét trên Boomberg.
Còn theo tiến sĩ Sara Davies, chuyên gia quản lý y tế thì, chúng ta cần cải cách hệ thống y tế toàn cầu ngay bây giờ để đối phó với các nguy cơ có thể xảy ra trong tương lai.
Thực tế diễn ra suốt 2 năm qua cho thấy, các quốc gia đã thiếu sự phối hợp trong phòng, chống đại dịch. Nổi lên là việc thiếu sự trao đổi thông tin về các nghiên cứu cũng như cơ chế phân phối vaccine. Cũng chính vì thế mà Covid-19 có cơ hội lây lan nhanh chóng trên diện rộng, nhất là khi xuất hiện biến thể Delta từ tháng 3/2021.
Điều này được Marine Cofield - chuyên gia hàng đầu về vi trùng học cảnh báo nhiều lần trên CNN cũng như các hãng truyền thông lớn khác. Ngay từ ngày 11/3/2020, khi WHO chính thức công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra bệnh Covid-19 là đại dịch toàn cầu, vị chuyên gia này đã cho rằng nó “đang chứng tỏ” sẽ vượt lên trên cả các dịch bệnh gây chết người như Ebola ở Congo, Zika năm 2016 và Ebola năm 2014 ở Tây Phi. Những dịch bệnh này đều là trường hợp khẩn cấp quốc tế.
Cũng ngay trong phát biểu công bố đại dịch tại Geneva, Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros đã cảnh báo: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước mức độ lây lan và sự nghiêm trọng, cũng như tình trạng thiếu hành động một cách đáng báo động. Nhiều quốc gia đang chật vật đối phó với dịch bệnh vì thiếu khả năng. Nhiều quốc gia khó khăn vì thiếu nguồn lực”. Ông Tedros cũng nhấn mạnh, việc chống đại dịch phải có sự phối hợp giữa các chính phủ và hệ thống y tế trên phạm vi toàn cầu, vì không một quốc gia đơn lẻ nào có thể tự mình chống dịch do virus gây ra.
Tùy theo từng quốc gia, khu vực, tới nay đại dịch Covid-19 đã xuất hiện làn sóng thứ 4 hoặc thứ 5. Nếu như châu Âu từng tự tin mở cửa vì “thừa thãi” vaccine, thì kể từ cuối tháng 10 vừa qua khi mùa đông đến cũng đã phải chật vật vì biến thể Delta. Đức, Pháp, Anh, Italy... là những quốc gia hàng đầu trong EU cũng vật vã vì số ca nhiễm mới tăng nhanh. Đáng ngại hơn là nhiều quốc gia Đông Âu hiện tình hình dịch bệnh đang dần tới chỗ “mất kiểm soát”, bởi hệ thống y tế đã quá tải.
Châu Phi, lục địa được đánh giá là “miễn nhiễm” với Covid-19 khi số ca tử vong do Covid-19 chỉ chiếm 3% số ca tử vong toàn cầu (tính đến đầu tháng 12/2021), hiện cũng đang bối rối với biến thể mới mang tên Omicron. Từ ngày 11/11, giới nghiên cứu đã lo ngại khi phát hiện biến thể mới. Cho đến ngày 25/11, nó chính thức được ghi nhận ở Nam Phi. Và cũng chỉ 1 ngày sau đó, WHO đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp, đặt tên cho biến thể mới này là Omicron và liệt nó vào dạng “đáng lo ngại” - cao nhất trong 3 cấp độ đại dịch.
Cũng chính vì sự nguy hại của Covid-19, người ta thấy rằng càng cần có sự hợp tác chặt chẽ và nhanh chóng của tất cả các quốc gia. Sự hợp tác đó phải “dựa trên tinh thần nhân loại” - nói như đại diện WHO.
Vì vậy, một hiệp ước toàn cầu chung sức chống đại dịch được WHO khởi xướng được ghi nhận đã đem tới hy vọng mới cho thế giới.
Trong cuộc chiến chống Covid-19, vũ khí quan trọng được xác định chính là vaccine. Theo quy định của WHO và các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu, vaccine trước khi đưa vào sử dụng khẩn cấp bắt buộc phải thử nghiệm lâm sàng trên người với 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 3 là giai đoạn mang tính quyết định; trên nguyên tắc đảm bảo 3 yếu tố: An toàn, sinh miễn dịch và quan trọng nhất là hiệu quả bảo vệ. Hiện đã có một số loại vaccine phòng Covid-19 được WHO phê duyệt vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Những vaccine này là Pfizer/BioNTech, AstraZeneca (của Oxford), AstraZeneca (của Viện Huyết thanh Ấn Độ), Janssen, Moderna, Sinopharm/BBIP và Sinovac, Covaxin. Đáng chú ý, theo giới khoa học, các lợi của vaccine hiện đang sử dụng là cũng có tác dụng ngăn biến chủng mới Omicron.