Đề xuất cơ chế đặc cách trong phòng, chống dịch Covid-19
Ngày 6/12, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tiến hành thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19.
Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, Tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, về cơ chế, đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch, Chính phủ đề xuất 9 chính sách tập trung vào 4 nhóm vấn đề lớn quy định về: Khám bệnh, chữa bệnh từ xa; thanh toán chi phí và chế độ chống dịch; về dược và trang thiết bị y tế.
Qua thảo luận, các đại biểu cùng thường trực Hội đồng Dân tộc; Ủy ban Tài chính ngân sách; Ủy ban Kinh tế; Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường; Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn; đại diện Bộ Tài chính, Bệnh viện Bạch Mai đều bày tỏ quan điểm đồng tình với những cơ chế trong Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19.
Từ ý kiến phát biểu của các đại biểu, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhất trí với nhiều nội dung đề xuất của Ủy ban Xã hội, cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 để Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo ông Mẫn, các cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng để thực hiện và phải thống nhất với nội dung khi tiến hành bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội cũng lưu ý, cần cụ thể và thống nhất Nghị quyết này với các văn bản đã ban hành về thời điểm có hiệu lực, thời điểm hết hiệu lực, đối tượng áp dụng; quyền, nhiệm vụ của UBND, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong việc điều động tham gia phòng, chống dịch, trong việc bảo đảm ngân sách như trong một số điều dự thảo Nghị quyết có nêu.
“Đây là vấn đề quan trọng, có tác động, ảnh hưởng lớn đến xã hội, người dân. Do đó Chính phủ và cơ quan được giao soạn thảo là Bộ Y tế cần tiếp tục lắng nghe, nghiên cứu, hoàn thiện các tài liệu theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và giải trình, làm rõ các nội dung được Thường trực Ủy ban Xã hội đã đề cập và các ý kiến thảo luận tại phiên họp”- ông Mẫn nhấn mạnh.
Theo dự kiến chiều ngày 9/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến, trước khi thông qua Nghị quyết.