Phim cổ trang thua trên sân nhà
Thời gian qua, phim điện ảnh về đề tài cổ trang đã tạo sức hút với khán giả Việt Nam. Tuy nhiên, những thành công đó lại đến từ các sản phẩm nước ngoài, trong khi sản phẩm thuần Việt vẫn chỉ đang manh nha khởi động.
Chưa có phim “ra tấm ra món”
Với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, điện ảnh Việt Nam đang sở hữu một kho tàng đồ sộ tư liệu cả thực tế lẫn hư cấu để sản xuất các bộ phim đề tài cổ trang. Tuy nhiên, nếu so với những nền điện ảnh phát triển trên thế giới và trong khu vực, phim về mảng đề tài này của chúng ta đang thua xa cả về chất lượng lẫn số lượng.
Chúng ta từng có những bộ phim được khán giả biết đến nhiều năm trước như: “Phạm Công - Cúc Hoa” (1989), “Tây Sơn hiệp khách” (1990); “Thăng Long đệ nhất kiếm” (1990)… sau đó là “Lục Vân Tiên” (2011), “Về đất Thăng Long” (2011), “Thiên mệnh anh hùng” (2012)… Gần đây là những bộ phim như: “Trạng Tí”, “Phượng Khấu”, “Tấm Cám - Chuyện chưa kể”, “Mỹ nhân kế”, “Kiều”, “Trạng Quỳnh”… Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm ở mảng đề tài này vẫn còn đang “lép vế” về doanh thu, chưa thể tạo nên sức hút tại các phòng vé.
Nguyên nhân được nhiều chuyên gia văn hóa đưa ra, hầu hết các bộ phim cổ trang Việt Nam “thua trên sân nhà” một phần là chưa vượt qua “rào cản” khi khán giả đã quen với các bộ phim cổ trang của nước ngoài hấp dẫn về nội dung, sắc nét về hình ảnh. Bên cạnh đó, một thực tế mà những nhà làm phim Việt phải luôn phải đối mặt là kinh phí khi đầu tư làm phim cổ trang rất lớn.
Trước đó, phim “Tây Sơn hào kiệt” của đạo diễn Lý Huỳnh, sản xuất năm 2010, dự trù kinh phí khoảng 6 tỷ đồng nhưng khi làm xong, nhà sản xuất phải chi tới 12 tỷ đồng. Phim “Thái Sư Trần Thủ Độ” có kinh phí 57 tỷ đồng, phim “Huyền sử thiên đô” có kinh phí 60 tỷ đồng tại thời điểm làm phim. Tham gia sản xuất nhiều bộ phim về đề tài lịch sử, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân từng chia sẻ, nếu không đủ 20 tỷ thì rất khó để làm phim cổ trang. Ngoài ra, vấn đề đồ hoạ, kỹ xảo hiện đại vẫn đang là trở ngại lớn cho các đoàn làm phim phải đi thuê các đơn vị nước ngoài với kinh phí khá cao...
Chính vì những nguyên nhân chủ quan và khách quan đó, hầu hết các bộ phim cổ trang Việt Nam được sản xuất trong thời gian qua chưa có sự đột phá về nội dung, ngay sau khi công chiếu đã để lộ ra nhiều “hạt sạn” về trang phục, bối cảnh lịch sử… Nhiều bộ phim để tiết kiệm chi phí mà bỏ quên việc mời các cố vấn về lịch sử, trang phục dẫn đến những câu chuyện “dở khóc, dở cười” khi phim ở thời kỳ này lại mặc trang phục thời kỳ khác, lai tạp của nước ngoài.
Nhìn nhận về thực trạng này, đạo diễn bộ phim “Phượng Khấu” Huỳnh Anh Tuấn bày tỏ, ở nước ta, phim cổ trang còn quá mới mẻ. Khán giả lại rất khắt khe với các sản phẩm “made in Việt Nam” vì muốn thấy một bộ phim “ra tấm, ra món” về lịch sử của dân tộc. Từ trước đến nay, số lượng phim cổ trang của Việt Nam không chỉ quá ít ỏi mà còn nhiều sai sót, chất lượng chưa tới tầm. Từ đó, đã mang tới cho khán giả những định kiến về phim cổ trang Việt.
Tạo đà tiến lên
Dù vậy, thời gian gần đây các nhà làm phim Việt đã có những nỗ lực không ngừng, không thấy khó mà dừng bước với các sản phẩm nội dung cổ trang. Mới đây, đoàn làm phim “Quỳnh hoa nhất dạ” của nhà sản xuất, diễn viên Thanh Hằng đã tiến hành casting tìm kiếm diễn viên cho vai Đinh Tiên Hoàng, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, Ngoại giáp Đinh Điền, Nội nhân chi hậu Đỗ Thích…
“Quỳnh hoa nhất dạ” là bộ phim dã sử lấy cảm hứng từ cuộc đời oanh liệt của thái hậu Dương Vân Nga. Dù là nhân vật nổi tiếng nhưng thái hậu Dương Vân Nga vẫn là nhân vật còn khá bí ẩn trong lịch sử Việt Nam với nhiều giai thoại ly kỳ. Theo kế hoạch, chính diễn viên Thanh Hằng sẽ đảm nhận vai chính thái hậu Dương Vân Nga.
Ngoài ra, đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn sau thành công của bộ phim “Phượng Khấu” cũng đang khởi động dự án phim cổ trang “Huyết rồng” lấy bối cảnh thời tiền Lê.
Diễn viên Trương Ngọc Ánh và nhà sản xuất người Australia Janet Ngô sau một thời gian phải trì hoãn bởi Covid-19 cũng đang khởi động việc tìm kiếm diễn viên cho dự án phim “Trưng Vương”. Đây là bộ phim về cuộc đời hào hùng của Hai Bà Trưng, trong đó diễn Trương Ngọc Ánh sẽ đảm nhận vai Trưng Trắc. Được biết ngoài việc tìm kiếm diễn viên để phim có thể sớm bấm máy, đoàn làm phim cũng đã mời các nhà sử học, hoạ sĩ để hỗ trợ về phần trang phục, vật dụng, vũ khí… thời Hai Bà Trưng. Đặc biệt, phần kỹ xảo của bộ phim “Trưng Vương” sẽ có sự hỗ trợ của các đơn vị nước ngoài.
Được biết, đạo diễn của hàng loạt bộ phim “gây bão” tại các phòng vé Victor Vũ cũng đang rục rịch khởi động dự án phim cổ trang lấy nội dung dựa trên tiểu thuyết “Ấn kiếm hồng nhan” của nhà văn Hồng Thái.
Có thể nói, với xu thế hội nhập và phát triển, phim điện ảnh nói chung và phim về đề tài lịch sử, cổ trang nói riêng đang cần có “bước đà”. Đạo diễn Victor Vũ cho rằng, lịch sử Việt quá hay nhưng còn quá ít người khai thác. Nếu theo đuổi dòng phim này, nhà làm phim có rất nhiều đất để dụng võ. Hướng đi đó không chỉ nêu cao tinh thần dân tộc, giúp công chúng hiểu hơn về lịch sử cha ông, mà còn giúp điện ảnh Việt Nam có thêm nguồn kịch bản quý giá trong tình hình khan hiếm kịch bản hay hiện nay.
Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ, những người làm phim cổ trang ở Việt Nam cần phải có lòng dũng cảm. Thậm chí không nên sợ sai, sợ khán giả phê bình, chỉ trích. Bởi có đi mới thành đường, có góp ý thì mới có tiến bộ. Điều quan trọng là sau những sai làm các nhà làm phim rút kinh nghiệm để sau đó làm những bộ phim hấp dẫn, cuốn hút khán giả hơn. Thời gian gần đây đang xuất hiệu nhiều dự án phim cổ trang đang là một dấu hiệu tích cực chứng tỏ các nhà làm phim đã mạnh dạn hơn đầu tư vào thể loại này.